Ngày 07/3/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến du khảo, tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch Long An. Tham gia chương trình có PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học; GS.TS. Phan Thị Thu Hiền cùng nhiều cán bộ, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An; ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở cùng cán bộ, công chức, viên chức Phòng Quản lý du lịch, Bảo tàng - Thư viện tỉnh và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch.
Đoàn du khảo tại Chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc
Đoàn đã khảo sát các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, thành phố Tân An gồm Chùa Tôn Thạnh, di chỉ khảo cổ học Rạch Núi - Chùa Linh Sơn, Đồn Rạch Cát, Nhà Trăm Cột, Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn, Đình Tân Chánh, Bảo tàng Long An. Sau chuyến du khảo, đoàn đã có buổi tọa đàm với chủ đề Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch Long An. Qua đó đã có những trao đổi, đóng góp ý kiến, giải pháp để phát triển ngành du lịch Long An trong thời gian tới như cần truyền thông mạnh mẽ, phân khúc đối tượng khách hàng, phát triển du lịch cộng đồng và chú trọng tính hệ thống, khác biệt trong phát triển du lịch… Đặc biệt, các chuyên gia đề xuất xây dựng 2 tuyến du lịch tại Long An: Tuyến lễ hội, tâm linh gắn liền các di tích lịch sử - văn hóa (qua các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và thành phố Tân An) và tuyến hành trình văn hóa Óc Eo trên đất Long An (men theo 2 dòng Vàm Cỏ).

Khảo sát di chỉ khảo cổ học Rạch Núi - Chùa Linh Sơn, huyện Cần Giuộc
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VH,TT và DL phát biểu tại buổi tọa đàm
Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi học thuật giữa ngành du lịch Long An và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Long An. Tạo điều kiện đưa lý luận nghiên cứu vào ứng dụng xã hội và mang trải nghiệm thực tiễn vào nghiên cứu, giảng dạy. Qua đó, làm nổi bật giá trị của các di sản văn hóa Long An, định hướng bảo tồn, phát triển, hướng đến khai thác tiềm năng để tạo nên những sản phẩm du lịch nổi bật, hấp dẫn thời gian tới./.
Hồ Phan Mộng Tuyền