a) Địa bàn thành phố Tân An - thị trấn Bến Lức
Đây là địa bàn có thành phố Tân An - trung tâm của tỉnh, với vai trò điều hành, đầu mối của mọi hoạt động hành chính, du lịch, dịch vụ, thương mại, v.v.. Bên cạnh đó trên địa bàn này còn có Khu du lịch vui chơi giải trí quốc gia “Happy Land” với diện tích dự kiến lên đến hơn 1.000ha mang tầm cỡ Khu vực và quốc tế. Với vai trò trên, địa bàn trọng điểm thành phố Tân An – thị trấn Bến Lức là địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất ở Long An trong phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ có liên quan.
Những ưu tiên cần được đầu tư phát triển trên địa bàn này bao gồm :
- Khu du lịch vui chơi giải trí ”Happy Land” với vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến lên đến trên 2 tỷ USD. Ở Khu du lịch quốc gia này sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao không chỉ ở trong nước mà còn trong Khu vực và quốc tế;
- Trung tâm thông tin du lịch Long An: đây sẽ là nơi cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật nhất về cơ hội đầu tư du lịch và hệ thống các Khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như cung cấp các thông tin về các dịch vụ trong thời gian khách du lịch lưu lại Long An;
- Kết cấu hạ tầng du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ Khu du lịch ”Happy Land” đến Tân Trụ nhằm phát triển tuyến du lịch đường sông trên cơ sở khai thác các giá trị cảnh quan, các làng nghề truyền thống và các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là di tích gắn với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực;
Hệ thống lưu trú chính của tỉnh: với vai trò là trung tâm du lịch tỉnh nằm trong không gian du lịch chính, phần lớn du khách đến Long An trước hết sẽ về thành phố Tân An và để từ đây đến với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhu cầu lưu trú ở thành phố Tân An, ngoài Khu du lịch ”Happy Land”, sẽ là rất lớn. Bên cạnh đó thành phố Tân An với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế của tỉnh cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật trong Khu du lịch ”Happy Land” sẽ là địa bàn thuận lợi chính tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, Khu vực và quốc tế vì vậy nhu cầu lưu trú cho khách du lịch công vụ, du lịch MICE cũng sẽ là rất lớn.
Các khu triển lãm, hội nghị hội thảo, các công trình văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, v.v cũng cần được nâng cấp và xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách khi đến với Long An nói chung và không gian du lịch thành phố Tân An – Bến Lức – Cần Đước nói riêng.
b) Địa bàn Tân Lập – cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp
Đây là khu vực nằm trên địa bàn thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, dọc theo trục quốc lộ 62 nối thành phố Tân An với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, trục không gian này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là thương mại du lịch của tỉnh Long An. Với tiềm năng và lợi thế về vị trí trong phát triển du lịch, đây là địa bàn du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Long An, đặc biệt trong hợp tác phát triển du lịch với Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, mà trực tiếp là Campuchia và Thái Lan.
Trên địa bàn trọng điểm này hiện đã hình thành nhiều Khu điểm du lịch quan trọng của Long An, tiêu biểu là Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu thương mại dịch vụ du lịch cửa khẩu Bình Hiệp, điểm tham quan sinh thái tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.
Những ưu tiên cần được đầu tư phát triển trên địa bàn du lịch trọng điểm này bao gồm :
- Hoàn chỉnh Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập để có được Khu du lịch sinh thái đầu tiên ở Long An nói chung và Khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng với đầy đủ ý nghĩa và chức năng của nó. Đây sẽ là Khu du lịch có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao ở Khu vực Đồng Tháp Mười và Đồng bằng sông Cửu Long.
- Xây dựng Khu thương mại – dịch vụ du lịch quá cảnh Bình Hiệp gắn với thị trấn Mộc Hóa. Đây sẽ là nơi cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật nhất cho khách quốc tế qua cửa khẩu Bình Hiệp về hệ thống các Khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như ở địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các dịch vụ du lịch và hàng lưu niệm trong thời gian khách du lịch lưu lại Long An nói chung và Khu vực cửa khẩu nói riêng.
- Xây dựng hạ tầng và tuyến du lịch trên sông Vàm Cỏ Tây đoạn từ Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập qua Mộc Hóa đến Chùa Nổi (Cổ Sơn Tự).
- Nâng cấp quốc lộ 62 nhằm giảm thời gian đi lại của khách du lịch từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đến thành phố Tân An và ngược lại. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch của Khu vực này.
Hệ thống lưu trú chính trên địa bàn sẽ phát triển ở thị xã Kiến Tường và Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập - Mộc Hóa cùng các dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
c) Địa bàn Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen và phụ cận
Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình vùng trũng Đồng Tháp Mười với sinh cảnh rừng Tràm và bàu Sen. So với nhiều Khu vực khác, thậm chí là Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thì Láng Sen là nơi còn bảo tồn được nhiều sinh cảnh tự nhiên cùng với giá trị đa dạng sinh học cao. Vì vậy đây là nơi có thể phát triển Khu du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm du lịch cao cấp, hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao không chỉ ở vùng Đồng Tháp Mười mà còn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu như Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập là nơi ”tái hiện” lại sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười và ”văn hóa sống” của cộng đồng dân cư địa phương, thì Láng Sen là nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm trong Khung cảnh môi trường tự nhiên hoang dã vốn có của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười.
Cùng với Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Láng Sen sẽ là ”đối trọng” mang tính chất tự nhiên đối với Khu du lịch vui chơi giải trí ”Happy Land” mang tính chất nhân tạo. Điều này sẽ tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú của du lịch với hai điểm nhấn bổ sung cho nhau và sẽ là yếu tố quan trọng để kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch khi đến Long An.
Những ưu tiên cần được đầu tư phát triển trên địa bàn du lịch trọng điểm này bao gồm :
- Phát triển Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ tuân thủ các nguyên tắc của Khu du lịch sinh thái và quy định hiện hành khi phát triển du lịch ở khu rừng đặc dụng.
- Nâng cấp đường dọc kênh 79 nối quốc lộ 62 với Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen nhằm nâng khả năng tiếp cận thuận lợi Khu vực này.
d) Địa bàn thị trấn Đức Hòa và phụ cận
Đây là địa bàn có vị trí quan trọng tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh ở hướng Đông Bắc và nằm trên trục tuyến du lịch xuyên Á qua cửa khẩu Mộc Bài
Đây là địa bàn tập trung nhiều giá trị lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa quan trọng, có giá trị du lịch mà tiêu biểu là Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An, Khu phế tích kiến trúc khảo cổ Bình Tả, Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ (Làng cổ Phước Lộc Thọ). Bên cạnh đó đây là địa bàn có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua với nhiều cảnh quan đẹp và hấp dẫn. Đây sẽ là những bổ sung quan trọng vào ”bức tranh du lịch” Long An. Nếu như địa bàn Tân An - Bến Lức nổi trội với du lịch vui chơi giải trí - đô thị; địa bàn Tân An - Mộc Hóa cùng với Láng Sen nổi trội với du lịch sinh thái - cửa khẩu thì địa bàn Đức Hòa và phụ cận nổi trội với du lịch lịch sử - văn hóa - sông nước.
Những ưu tiên cần được đầu tư phát triển trên địa bàn du lịch trọng điểm này bao gồm :
- Hoàn thiện xây dựng Khu du lịch lịch sử Long An với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Chú trọng điều chỉnh kiến trúc các công trình hài hòa với cảnh quan đặc trưng ở Khu vực này.
- Nâng cấp hoàn thiện cụm du lịch văn hóa Đức Hòa với các điểm du lịch quan trọng là Khu kiến trúc khảo cổ Bình Tả, điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ và di tích ngã tư Đức Hòa.
- Xây dựng hạ tầng và tuyến du lịch trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ Đức Hòa lên Đông Thành (Đức Huệ)./.
Bài: Lê Phú Dũng
Phòng Nghiệp vụ du lịch