Long An là tỉnh tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống đường giao thông thủy, bộ thuận lợi.
Đường thủy: Hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây xẻ dọc lãnh thổ Long An từ Đông Bắc xuống Đông Nam là hai trục giao thông đường thủy quan trọng, cùng các sông nhánh nối liền Long An với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường bộ: Quốc lộ 1A là tuyến giao thông quan trọng, nối Long An với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hệ thống đường bộ liên hoàn từ thành phố Tân An đi về các huyện, trong đó có tuyến quốc lộ 62 (Long An – Mộc Hóa). Quốc lộ 50 đi từ Thành phố Hồ Chí Minh xuyên qua Cần Đước, Cần Giuộc đến Mỹ Tho (Tiền Gang).
Long An là địa phương có nhiều giá trị cảnh quan sinh thái do thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước và dòng sông Vàm Cỏ. Nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị có thể hình thành các tuyến du lịch hiện nay là:
Tuyến du lịch theo quốc lộ 1A: Từ Thành phố Hồ Chí Minh - huyện Bến Lức - thành phố Tân An – tỉnh Tiền Giang:
1. Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tọa lạc thị trấn Bến Lức:

Di tích là nơi lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-24/12/1996), nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… một nhà hoạt động chính trị - xã hội có uy tín và tài năng; người chiến sĩ cộng sản kiên định, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Di tích gồm ngôi nhà thời niên thiếu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và khu tưởng niệm.
Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2, gồm các hạng mục như nhà tưởng niệm, khối phòng họp - khu trưng bày - thư viện, khu công viên cây xanh, thảm cỏ, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác… được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 2244 QĐ/VH ngày 29/6/2015.
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An.
Điện thoại: 0726 568871.
2. Khu vui chơi giải trí Happyland, tọa lạc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức:

Khu vui chơi giải trí Happyland đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 01/10/2010 và được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 theo Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 11/02/2011, diện tích là 262,8 ha. Đến ngày 21/4/2011, dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh Đồ án qui hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu phức hợp giải trí Khang Thông theo Quyết định 1272/QĐ-UBND.
Đơn vị quản lý: Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An.
Điện thoại: 0723 631509.
3. Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, tọa lạc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ:

Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo là nơi giao hội giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Ngày 10/12/1861, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng dân chài Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực), tàu L' Espérance của quân xâm lược Pháp đã bị nghĩa quân nhấn chìm ở nơi đây. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 1460-QĐ/VH ngày 28/6/1996.
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An.
Điện thoại: 0726 568871.
4. Làng Trống Bình An, tọa lạc xã Bình Lãng, Huyện Tân Trụ:

Nghề làm trống tại xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ đã hình thành từ rất lâu. Sản phẩm trống Bình Lãng được nổi danh khắp nơi. Tháng 3 năm 2009 vừa qua Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến công tỉnh Long An đã kết hợp với các phòng, ban và xã của huyện Tân Trụ, đã tổ chức hội thảo: Khôi phục và phát triển nghề "Làm trống Bình Lãng".
Đơn vị quản lý: Tổ hợp tác Bịt trống ấp Bình An.
Điện thoại: 0723 889362 (Chú 5 Mến, Tổ trưởng).
5. Khu Công viên tượng đài Long An, tọa lạc Phường 5, thành phố Tân An:

Tượng đài được xây dựng trên khu đất rộng 6 ha, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, khởi công vào năm 2004, khánh thành ngày 28/4/2010 nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới chân tượng đài là phòng Trưng bày sự kiện lịch sử và Không gian trưng bày tám chuyên đề Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An
Điện thoại: 0726 568871 .
6. Khu di tích Nhà Tổng Thận, tọa lạc Phường 1, thành phố Tân An:

Nhà Tổng Thận, Phường I, thị xã Tân An, là trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám 1945. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3148/1998/QĐ.UB ngày12/11/1998.
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An
Điện thoại: 0726 568871.
7. Bảo tàng Long An, tọa lạc Phường 4, thành phố Tân An:

Bảo tàng Long An được trưng dụng từ một công trình kiến trúc cổ hình thành từ đầu thế kỷ XX, Bảo tàng được thành lập năm 1985 với diện tích trưng bày 2.000m2, trưng bày nhiều hiện vật, tác phẩm nghệ thuật dân gian và đương đại…có giá trị về lịch sử và văn hóa nhằm giới thiệu các nội dung về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, một địa chỉ quan trọng cho khách tham quan khi muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử văn hóa của tỉnh Long An.
Đơn vị quản lý: Bảo tàng tỉnh Long An.
Điện thoại: 0723 835174.
8. Khu di tích Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, tọa lạc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An:

Đây là quần thể kiến trúc, nghệ thuật cổ gồm cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) - bậc Khai quốc Công thần của Triều Nguyễn, được xây dựng từ năm 1817. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 534QĐ/BT ngày 11/5/1993.
Đơn vị quản lý: Gia tộc.
Điện thoại: 0917 189772 (anh Thoại).
9. Trung tâm thành phố Tân An, tỉnh Long An, tọa lạc Phường 1, thành phố Tân An:

Biên tập: Trần Thị Đoan Quang.