Tuyến du lịch theo quốc lộ 50: Từ Thành phố Hồ Chí Minh – huyện Cần Giuộc – huyện Cần Đước – tỉnh Tiền Giang:
1. Chùa Tôn Thạnh, tọa lạc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc:

Chùa Tôn Thạnh, nơi lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong những năm 1859-1862. Tại đây, ông đã sáng tác bài Văn tế Nghĩa dân chết trận Cần Giuộc - một áng văn bất hủ, lưu danh thiên cổ. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997.
Đơn vị quản lý: Nhà chùa.
Điện thoại: 0977 160119 (Thầy Nhàn).
2. Khu di tích Nghĩa sĩ Cần Giuộc, tọa lạc thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc:

Khu di tích Nghĩa sĩ Cần Giuộc, đây là công trình tưởng niệm trận Công Đồn Tây Dương của những người Nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc vào đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (tức ngày 16/12/1861 DL). Phần tượng đài là tác phẩm của điêu khắc gia Phan Gia Hương. Công trình bắt đầu khởi công vào ngày 17/12/2011 và khánh thành vào ngày 13/4/2015. Tổng vốn đầu tư xây dựng trên 29 tỷ đồng.
Đơn vị quản lý: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Long An.
Điện thoại: 072 6568871.
3. Nhà Trăm Cột, tọa lạc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước:

Nhà Trăm Cột, tọa lạc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước của ông Trần Văn Hoa, nhóm thợ miền Trung thực hiện năm 1901-1903. Nhà có hơn 100 cột, kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, hiện vật bài trí thuộc loại quí, hiếm. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997.
Đơn vị quản lý: Gia tộc.
Điện thoại: 0906 304046 (chị Bạch).
4. Khu di tích Đồn Rạch Cát, tọa lạc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước:

Khu di tích Đồn Rạch Cát, căn cứ quân sự do thực dân Pháp xây dựng năm 1903, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng - nơi gặp nhau của 3 con sông Nhà Bè, Rạch Cát và Vàm Cỏ nên Đồn Rạch Cát án ngữ hoàn toàn con đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào Sài Gòn và xuống miền Tây. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 818/UB.QĐ.92 ngày 26/8/1992.
VĂN HÓA LỄ HỘI
- Lễ hội Làm Chay

Hàng năm nhân dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tổ chức lễ hội làm chay vào ngày 15, 16 tháng Giêng - Âm lịch. Đây là lễ hội dân gian cổ truyền mang bản sắc riêng của nhân dân địa phương. Nhằm khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu. Đúng 12 giờ đêm ngày 16 là xô giàn Ông Tiêu, người đi lễ tranh nhau giành đồ cúng mong tìm được chút lộc đầu năm, ai tranh được cái lưỡi của Ông Tiêu là năm đó làm ăn phát tài. Ngày hội Làm Chay đã trở thành lễ hội truyền thống, một nét văn hóa đặc sắc của người dân Long An.
- Lễ Húy kỵ đức nghệ nhân Nhạc sư Nguyễn Quang Đại:

Đức nghệ nhân Nhạc sư Nguyễn Quang Đại là một quan nhạc của triều đình nhà Nguyễn. Cuối thế kỷ XIX đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, vô Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ. Ông là người có công khai sáng ra bộ môn Đờn ca tài tử và nhạc lễ Nam Bộ mang đậm nét đặc thù bản sắc dân tộc.
Hàng năm vào ngày 19 tháng Giêng – Âm lịch, lễ Húy kỵ diễn ra tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Lễ hội tập trung các nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam Bộ trong và ngoài tỉnh và du khách đến viếng, tưởng niệm cố nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.
- Lễ hội Vía bà Ngũ hành ở Long Thượng, Cần Giuộc:

Miếu Bà Ngũ Hành tọa lạc tại chợ Long Thượng, cạnh rạch Tràm, nằm về hướng Đông, thành phố Tân An và về phía Tây Bắc của thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nơi đây, thờ phượng Ngũ hành Nương Nương - năm vị phúc thần giúp cho mưa thuận gió hòa, bảo hộ nghề nghiệp thủ công…
Lễ vía Ngũ hành Nương Nương được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng - Âm lịch hàng năm (diễn ra trong 3 ngày), được tổ chức khá long trọng với các nghi thức của một lễ Kỳ yên và nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, dâng mâm, bán lộc, đặc biệt là hát chặp Địa Nàng.... Hằng năm lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương. Bởi những giá trị văn hóa và lịch sử được tàng trữ tại đây, Miếu Bà Ngũ hành (Long Thượng) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào tháng 02/1997./.
Biên tập: Trần Thị Đoan Quang.