Đa số phóng viên cấp huyện là những "nhà báo không thẻ" nhưng công việc của họ không khác gì phóng viên của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp: đa năng, dấn thân và vất vả. Những ngày sống giữa đại dịch Covid-19, phóng viên của huyện Bến Lức cũng nhân lên nhiệm vụ, phải bám sát diễn biến, vấn đề xảy ra; có mặt mọi lúc mọi nơi, thậm chí đối diện nguy cơ nhiễm bệnh để làm tròn nhiệm vụ cập nhật thông tin liên tục chuyển tải đến người dân.
Phóng viên Lê Hạnh, Trung tâm VH, TT và TT Bến Lức đang tác nghiệp
Trải qua 15 năm theo nghề, phụ trách các mảng kinh tế, văn hóa, xã hội, phóng viên Lê Hạnh nghiệm ra rằng, công việc không phân biệt nam hay nữ, yêu nghề thì phải cố gắng hết sức. Chị Lê Hạnh chia sẻ: Từ khi dịch bệnh bùng phát, để người dân nắm được thông tin chính xác thì thời lượng phát sóng trên truyền hình và truyền thanh địa phương tăng lên. Đồng thời, tin, bài sản xuất tại chỗ cho đến thông tin chung về dịch bệnh phải luôn luôn kịp thời, đầy đủ. Điều đó phần nào gây áp lực đối với anh em phóng viên trong đơn vị. Nhiệt huyết với nghề và muốn góp phần nhỏ của mình vào công tác phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ở Đài Truyền thanh huyện Bến Lức, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều phóng viên nữ. Họ xông xáo vác máy quay, "bon chen" chốn đông người hay những địa bàn khó khăn để có được khung hình thời sự chất lượng. Trên những nẻo đường vắng lặng, ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, đâu đó luôn có các anh, chị phóng viên lỉnh kỉnh đồ nghề. Nhờ họ, nhân dân ở địa phương biết rõ về tình hình dịch bệnh ở địa bàn, những câu chuyện đẹp về tình người, giải pháp nỗ lực của địa phương, tốc độ tiêm chủng, việc làm nên và không nên khi phòng, chống dịch Covid-19.
.JPG)
Các phóng viên, kỹ thuật viên luôn hết mình với công việc,
bất kể ngày hay đêm
Phóng viên Kim Phượng cho biết: Ngoài "chạy" theo sự kiện, diễn biến liên quan dịch bệnh, thời gian này phóng viên còn phải chủ động tìm kiếm, đầu tư các đề tài để xoa dịu tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân.
5 tháng qua, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong các chương trình thời sự của huyện, Ban Biên tập đài dành thời lượng từ 70-80% lượng tin, bài, tài liệu để tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 6/2021 đến nay, hệ thống truyền thanh huyện tăng tần suất phát thanh, duy trì đều đặn 6 buổi/ngày, phát sóng theo các khung giờ cách nhau 2-3 tiếng đồng hồ. Đối với các ngành khác, theo yêu cầu phải giảm bớt từ dưới 50%, 30%, rồi 20% số nhân viên, cán bộ đến cơ quan, đơn vị. Riêng Đài Truyền thanh huyện là cơ quan đặc thù, phải đảm bảo lực lượng nhưng có sự phân phối "rải đều" ở cơ sở. Bên cạnh đó, phải tăng khối lượng công việc gấp 3, 4 lần so với ngày thường, không kể đêm ngày. Nếu phân công công tác đột xuất vào tâm dịch, vào khu cách ly, anh em sẵn sàng có mặt.
.JPG)
Phóng viên Thanh Tâm, Trung tâm VH, TT và TT Bến Lức chỉnh chu
từng thước phim để kịp gởi cộng tác
Phóng viên Thanh Tâm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện cho biết: Dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường, việc đi lại phải hạn chế, đặc biệt ở tâm dịch. Để có đủ tin tức cập nhật ở từng địa bàn, phóng viên phải kết nối chặt chẽ với "phóng viên thường trú" ngay tại xã, sắp xếp trao đổi thông tin, phỏng vấn qua điện thoại. Nhờ vậy, dù không thể vào tâm dịch nhưng vẫn đảm bảo kịp thời tin tức, sự kiện mới xảy ra. Điều thuận lợi là lực lượng phóng viên đài hiện nay được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ nên họ an tâm hơn khi tác nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người chủ quan, lơ là. Bởi hơn ai hết, người làm truyền thông hiểu rõ nguy cơ của dịch bệnh, luôn nhớ phía sau họ còn có gia đình - dù được ủng hộ trong công việc nhưng vẫn lo lắng mỗi ngày.
Trong khó khăn, lực lượng phóng viên còn được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên tinh thần, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương và người dân để tác nghiệp. Họ góp phần kết nối thông suốt khi đưa chủ trương, chỉ đạo, giải pháp từ các cấp chính quyền đến nhân dân, cũng như luôn có mặt kịp thời để truyền tải tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân gửi gắm đến các cấp chính quyền. Vừa đảm bảo thông tin đa chiều về "cuộc chiến" chống dịch, lực lượng phóng viên còn "chạy đua" giữa thông tin thật - giả trên mạng xã hội để lan tỏa thông tin chính thống hiệu quả nhất, cùng người dân địa phương vững tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch./.
Việt Hằng