Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Skip Navigation LinksThông tin Văn Hóa

 
    Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 558036
  
  
Tóm tắt
Nội dung
  
  
  
TÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG ANTÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

THÀNH PHỐ TÂN AN

LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ NGUYỄN HUỲNH ĐỨC

(Phường Khánh Hậu, thành phố Tân An)

Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Thượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Xuất thân trong một gia đình võ tướng đã 3 đời nên ông sớm có tài võ lược và người đương thời thường gọi là Hổ tướng. Năm 1780, ông theo phò Nguyễn Ánh, lập nên nhiều chiến công và trở thành khai quốc công thần của triều Nguyễn, được phong tước Quận Công. Ngày mồng 9 tháng chín năm Kỷ Mão (1819), ông mất và được an táng tại quê nhà.

Cách thành phố Tân An 3,5 km về phía Tây Nam, di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức là một tổng thể gồm 5 công trình kiến trúc: 03 cổng, đền thờ và lăng mộ với diện tích 1280 m2. Được xây dựng từ năm 1817, di tích là một công trình kiến trúc cổ của Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Cổng và đền thờ được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu cũng như nghệ thuật. Các chiếu, chỉ, sắc phong và cổ vật quý hiếm trong di tích là những tư liệu vô giá phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thời cận đại.

 Di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia tại Quyết định số 534/QĐ/BT ngày 11/05/1993.

HUYỆN CẦN GIUỘC

CHÙA TÔN THẠNH (Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc)

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Trong ba năm (1859-1861) nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và chữa bệnh. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm 1861, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người "dân ấp dân lân", nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử đã lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ: "Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ".

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn cảnh "rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng" như xưa. Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở Chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2003, chùa Tôn Thạnh đã được trùng kiến và vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ truyền.

Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Chùa Tôn Thạnh là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/11/1997 .

RẠCH NÚI

(p Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc)

Rạch Núi là tên một con rạch nhỏ, là một nhánh sông của sông Rạch Cát, bao quanh một khu vực cao được dân gian gọi là Gò Núi Đất. Trên đỉnh gò có chùa Linh Sơn Tự hay chùa Núi được sư Nguyễn Quới xây dựng năm 1867.

Di tích Rạch Núi có niên đại C14 là 2.400 ± 100 năm cách ngày nay, tương đối muộn so với các di tích cùng thời ở Đông Nam Bộ, bao gồm nhiều loại hình công cụ lao động bằng đá, xương, sừng và đồ gốm nhưng không có đồ đồng, đồ sắt. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở chỗ: Rạch Núi, trên căn bản thuộc văn hóa Đồng Nai, nhưng có nhiều sắc thái riêng biệt do môi trường tại chỗ quy định. Đó là môi trường sình lầy, nước mặn, khác với vùng Đông Nam Bộ, do vậy đời sống của chủ nhân Rạch Núi cũng khác với cư dân Đông Nam Bộ.

Di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Rạch Núi là minh chứng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên đồng bằng sông Cửu Long với những hiện vật phong phú và có giá trị. Bên cạnh đó, di tích còn là minh chứng cho công cuộc phát triển bờ cõi của nhà Nguyễn ở phương Nam với ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu (Nguyễn Văn Mỹ - quan đại thần triều Nguyễn).

Di tích Rạch Núi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Quyết định số 38/1999-QĐBVHTT, ngày 11/06/1999.

HUYỆN CẦN ĐƯỚC

CHÙA PHƯỚC LÂM

(Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước)

Chùa Phước Lâm – xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - được ông Bùi Văn Minh thành lập năm 1881 để vừa thờ Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Nhìn về tổng thể, ngôi chùa gồm ba phần: chánh điện - hậu tổ, khu mộ tháp và nhà trù. Chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu "bánh ít", có móng đá xanh, tường gạch, lợp ngói vẩy cá. Toàn bộ cột chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên các chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái tạo cho không gian bên trong sự rộng rãi thoáng mát. Nội thất chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc hoàng, Thị giả, Thập điện, Thiện ác, Hộ pháp, Kim cương và nhiều bộ bao lam, hoành phi liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Cũng như những ngôi chùa khác ở Nam bộ, phía sau chánh điện chùa Phước Lâm là tổ đường. Tổ đường có bàn thờ và di ảnh của các vị trụ trì đã quá vãng, di ảnh và bàn thờ Bùi Công - người lập chùa, và bàn thờ của họ Bùi. Phía Đông chánh điện là 4 ngôi mộ tháp cổ kính trong đó có tháp bảo đồng của tổ khai sơn Hồng Hiếu và chư vị trụ trì đã quá vãng. Chùa Phước Lâm là tổ đình của hệ phái Lục Hòa ở Cần Đước. Vào những ngày rằm khá đông thiện nam, tín nữ đến chùa lễ Phật.

Chùa Phước Lâm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia tại Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001.

NHÀ TRĂM CỘT

(Ấp Trung, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước)

Nhà Trăm Cột được xây dựng vào những năm 1901-1903, tại ấp Trung, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Nhà có diện tích 882m2, tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2, chính diện hướng Tây Bắc. Nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ (gỗ đỏ, gỗ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ, Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc, 3 gian, 2 chái. Nhà gồm có hai phần: phần phía trước được bày trí theo kiểu ngoại khách - nội tự (ngoài tiếp khách, trong thờ tự), phần phía sau dùng để ở và sinh hoạt.

  Theo các nhà nghiên cứu, Nhà Trăm Cột có kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế nhưng có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng, phản ánh một giai đoạn lịch sử - văn hóa của vùng đất phương Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/09/1997.

NGÃ TƯ RẠCH KIẾN

(Ấp 1, xã Long Hòa, huyện Cần Đước)

Di tích Ngã tư Rạch Kiến là địa điểm ghi dấu sự hình thành và phát triển của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến nổi tiếng ở Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Phạm vi của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được xác định gồm 13 xã giải phóng, trong đó có 10 xã thuộc huyện Cần Đước là Long Hòa, Long Trạch, Tân Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy và 3 xã thuộc huyện Cần Giuộc là Phước Lâm, Thuận Thành và Phước Hậu.

Bằng thế trận chiến tranh nhân dân trên Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, dựa trên 3 mũi cơ bản là quân sự, chính trị, binh vận được phối hợp một cách nhuần nhuyễn, liên hoàn với nhau, ta đã cô lập căn cứ Mỹ và làm cho lực lượng địch ở đây tổn thất nặng nề. Vùng giải phóng phía Nam lộ 4 được giữ vững và mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp và là bàn đạp tấn công vào Sài Gòn xuân Mậu thân –1968 của các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang Long An.

Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là một hình thái chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao ở Long An, góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ - ngụy (1966-1967).

Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1460 QĐ/VH ngày 28/06/1996.

HUYỆN CHÂU THÀNH

CỤM NHÀ CỔ THANH PHÚ LONG

(Xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành)

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được dòng họ Nguyễn Hữu xây dựng đã hơn 100 năm, mang nét đặc trưng nhà ở dành cho tầng lớp thượng lưu Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX.

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long gồm 3 ngôi nhà có cấu trúc tương đối giống nhau, được xây dựng theo kiểu nhà rội, tường gạch, mái ngói, 3 gian, 2 chái. Nhà có dạng hình chữ khẩu gồm nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng 2 nhà cầu, chính giữa có khoảng trống là sân "thiên tỉnh" (giếng trời). Các ngôi nhà được xây dựng bởi một nhóm thợ từ miền Trung vào. Nghệ thuật trang trí ở Cụm nhà cổ cũng khá phong phú và đa dạng. Cụm nhà cổ Thanh Phú Long  là di tích kiến trúc nghệ thuật, loại hình kiến trúc dân dụng ở và thờ tự.

Những ngôi nhà cổ Thanh Phú Long với niên đại hơn 100 năm có giá trị lớn về kiến trúc, điêu khắc gỗ và còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa.

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BVHTT, ngày 03/08/2007.

KHU LƯU NIỆM NGUYỄN THÔNG

(Xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành)

Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am quê ở thôn Bình Thạnh, Tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông sinh ngày 28/5 năm Đinh Hợi tức ngày 21/07/1827, trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 22 tuổi (năm 1849), ông thi hương đỗ cử nhân và bắt đầu đem tài năng của mình phục vụ cho đất nước. Trong 35 năm làm quan dù ở cương vị nào hay ở bất cứ nơi đâu, ông luôn là một nhà tri thức yêu nước thương dân làm việc với ý thức trách nhiệm cao. Ông mất ngày 27/08/1884 tại Phan Thiết, hưởng thọ 57 tuổi.

Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm Nguyễn Thông là địa điểm lưu niệm Nguyễn Thông - nhà trí thức yêu nước,  người con trung hiếu vẹn toàn mà cuộc đời là tấm gương sáng cho hậu thế.

Khu lưu niệm Nguyễn Thông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 04/2001-QĐ-BVHTT ngày 19/01/2001.

DI TÍCH ĐÌNH TÂN XUÂN

(Thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành)

Đình Tân Xuân là di tích lịch sử văn hóa, một trong những ngôi đình cổ trên đất Long An. Đây là nơi ghi dấu tín ngưỡng thờ thần trong quá trình di dân lập ấp, đồng thời gắn liền sự kiện lịch sử, sự hy sinh oanh liệt của nhà yêu nước Đỗ Tường Tự, người thủ lĩnh cuối cùng của phong trào nông dân khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Tân An.

Hàng năm, vào ngày 15-16/1 âm lịch tại đình diễn ra Lễ hội làm chay rất đặc sắc, quy tụ hàng ngàn người dân tham dự. Lễ hội làm chay có đặc trưng độc đáo là liên kết, tổng hòa nhiều thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng dân gian trên địa bàn như: đình Dương Xuân Hội, chùa Ông (Linh Võ tự), Âm Nhơn miếu (miễu cô hồn), Linh Phước tự, thánh thất Phương Quế Ngọc Đài. Lễ hội quy tụ hầu hết nhân dân các giới và các tôn giáo tham gia hành lễ. Về phần lễ, có những nghi thức cổ truyền đã có từ hơn một thế kỷ qua như: Thỉnh Tiêu Diện đại sĩ từ Linh Phước tự về chùa Ông; thỉnh Phật, thỉnh thầy từ Linh Phước tự về Đình Dương Xuân; cúng tế, đề phan liệt sĩ; cúng cô hồn ở Miếu Âm Nhơn; lễ chiêu u (rước cô hồn ) từ các nơi trong huyện về giàn ông Tiêu; nghi lễ đánh động, thỉnh thầy, thỉnh kinh; nghi lễ phóng đăng, phóng sinh; nghi lễ đốt nến, thả bèo, nghi lễ Chạy kim đàn và xô giàn, tiễn khách. Về phần hội, có những trò chơi dân gian cho nhân dân vui chơi như: Bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, thả-bắt vịt…

Di tích đình Tân Xuân được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 4109/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/2014. Lễ hội làm chay cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4205/QĐ-BVHTT ngày 19/12/2014.

HUYỆN THỦ THỪA

ĐÌNH VĨNH PHONG

(Thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa)

Đình Vĩnh Phong tọa lạc tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, là nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa -  người đã có công khai cơ, lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của thị trấn Thủ Thừa ngày nay.

Qua nhiều lần trùng tu, gần nhất là năm 2012, Đình Vĩnh Phong vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Đến với Đình Vĩnh Phong chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân ngày trước, hiểu thêm về những đóng góp to lớn của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta.

Đình Vĩnh Phong được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1811/1998/QĐ-BVHTT  ngày 31/08/1998.

HUYỆN BẾN LỨC

NHÀ VÀ LÒ GẠCH VÕ CÔNG TỒN

(Ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức)

Di tích có tên gọi là Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn, bởi vì đây là một tổng thể kiến trúc gồm hai điểm: Ngôi nhà của ông Võ Công Tồn và Lò gạch thuộc sở hữu của ông. Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn tọa lạc tại ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn - người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mệnh cho Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930-1945). Đồng thời đây là nơi ghi dấu một số hoạt động của các nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai…Lẫm lúa nhà Võ Công Tồn là nơi Bác Tôn mở lớp học truyền bá tư tưởng chống thực dân Pháp vào năm 1928. Ngoài ra, Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn còn là cơ sở tin cậy của Đảng và các phong trào yêu nước trước năm 1945, là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho Đảng và các nhà yêu nước hoạt động trong những ngày đầu Đảng còn non trẻ.

Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2004.

HUYỆN TÂN TRỤ

VÀM NHỰT TẢO

(Xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ)

Vàm Nhựt Tảo tọa lạc tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là nơi ghi dấu chiến công đốt cháy tàu L'Espérance của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 tại Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông là một trong những thủ lĩnh nghĩa quân tiêu biểu trong phong trào vũ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ, từng lập nên 2 chiến công xuất sắc là: "Hỏa hồng Nhựt Tảo và Kiếm bạt Kiên Giang". Ông hy sinh ngày 27/10/1868, khi vừa tròn 30 tuổi, để lại cho đời câu nói bất hủ: "Khi nào Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây".

 Để bảo tồn và phát huy giá trị Vàm Nhựt Tảo, UBND tỉnh Long An đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để thực hiện dự án tôn tạo di tích với các hạng mục chính như: Đền Tưởng niệm, Nhà Trưng bày, Nhà bia, Tượng đài Nguyễn Trung Trực, cổng, hàng rào, đường nội bộ, khu dịch vụ…Với dự án này, vùng sông nước nên thơ Vàm Nhựt Tảo không những có ý nghĩa về lịch sử  mà còn có giá trị về tham quan, du lịch.

Vàm Nhựt Tảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1460/QĐ-VH ngày 28/6/1996.

HUYỆN ĐỨC HUỆ

CÁC ĐỊA ĐIỂM THUỘC CĂN CỨ BÌNH THÀNH

(Xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ)

Các địa điểm thuộc căn cứ Bình Thành còn được gọi là di tích Bình Thành hay Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An, tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đây là vùng đất có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An.

Với vị trí án ngữ hành lang chiến lược giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, gần với Sài Gòn và dựa lưng vào Vương quốc Campuchia, vùng đất này đã trở thành một căn cứ bưng biền độc đáo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực này là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7. Trong thời điểm phong trào cách mạng tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn sau Hiệp định Geneve, đây là nơi tập trung những cán bộ chính trị, quân sự ưu tú của Đảng, nơi bảo tồn, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh. Có thể nói rằng, nơi đây chính là chiếc nôi cách mạng - nơi đầu tiên trong khu vực Trung Nam Bộ hình thành lực lượng vũ trang sau Hiệp định Geneve để làm công tác vũ trang tuyên truyền trong điều kiện Trung ương chưa cho phép đấu tranh vũ trang. Tháng 7/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn. Với kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy Long An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong từng thời kỳ với những điều kiện khó khăn và thuận lợi khác nhau, Tỉnh ủy Long An đã linh hoạt, cơ động trong địa bàn huyện Đức Huệ ngày nay, có lúc phải tạm lánh sang Ba Thu, có lúc phát triển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Tuy nhiên, nơi mà Tỉnh ủy Long An và các cơ quan trực thuộc chọn làm căn cứ hoạt động lâu nhất chính là khu vực giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" của nhân dân Long An đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ địa chỉ đỏ này.

Di tích căn cứ Bình Thành đã được Bộ Văn hóa – Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 3518/QĐ-BT ngày 04/12/1998.

HUYỆN ĐỨC HÒA

NGÃ TƯ ĐỨC HÒA

(Thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa)

Khu vực ngã tư Đức Hòa là địa điểm ghi dấu cuộc biểu tình chống thực dân Pháp của khoảng 5.000 đồng bào quận Đức Hòa vào ngày 04/06/1930 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Võ Văn Tần. Cũng chính nơi đây, thực dân Pháp đã lập đài xử bắn để giết hại nhiều chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa vào tháng  7/1941.

Cuộc biểu tình của nhân dân Đức Hòa ngày 04/06/1930 là cuộc biểu tình lớn đầu tiên được chuẩn bị và diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương mà trực tiếp là Tỉnh ủy Chợ Lớn, thể hiện lòng tin của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Địa điểm xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa là bằng chứng cho tinh thần bất khuất, ý chí giành độc lập tự do của nhân dân Đức Hòa nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung.

Ngã Tư Đức Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1570/VH-QĐ, ngày 05/09/1989.

ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN

 CỦA TỈNH CHỢ LỚN (KHU NHÀ ÔNG BỘ THỎ)

(Ấp Giống Cám, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa)

Nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ là nơi  đồng chí Võ Văn Tần đã triệu tập cuộc họp bí mật để thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản làng Đức Hòa - chi bộ đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn vào ngày 06/03/1930.

Chi bộ ra Nghị quyết: "Lấy thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung vận động vực dậy tinh thần quần chúng, đồng thời ráo riết phát triển tổ chức trước tiên ở những nơi có cơ sở quần chúng tốt như: Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, tiến tới thành lập Quận ủy". Thực hiện tinh thần Nghị quyết này, chỉ trong vòng 3 tháng, từ chi bộ đầu tiên ở làng Đức Hòa, tổ chức Đảng ở quận Đức Hòa đã phát triển lên 3 chi bộ với 27 đảng viên. Trên cơ sở ấy, vào tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thỏ làm Phó Bí thư.

Sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên này là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An. Từ đây, phong trào yêu nước chống xâm lược của nhân dân trong tỉnh đã bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Khu nhà ông Bộ Thỏ tại ấp Giồng Cám, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 3827/QĐ-BVHTTDL  ngày 31/10/2013.

PHẾ TÍCH KIẾN TRÚC GÒ XOÀI, GÒ ĐỒN, GÒ NĂM TƯỚC

(Xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa)

Phế tích kiến trúc Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước hay còn gọi khu di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nằm về hướng Đông Bắc thành phố Tân An, cách Tân An 40 km theo lộ trình Tân An - Bến Lức - thị trấn Đức Hòa và nằm cách Tỉnh lộ 825 tám trăm mét về phía Đông.

Nằm trong một tổng thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học đã được khảo sát, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh. Nhìn chung, khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng đây là trung tâm chính trị - quyền lực - tôn giáo của người xưa.

Niên đại chung của khu di tích Bình Tả được phỏng định dựa trên tuổi tuyệt đối (C14) của chiếc trục bánh xe cổ làm bằng gỗ, phát hiện trong một bàu nước cổ bên cạnh di tích Gò Sáu Huấn (cũng thuộc phạm vi khu di tích Bình Tả): 1.588 ± 65 năm cách ngày nay.

Với quy mô lớn trên toàn khu vực, cụm di tích khảo cổ học Bình Tả có một vị thế trung tâm trên vùng đất phù sa cổ thuộc vùng Đức Hòa – Đức Huệ (Long An) mà trung tâm này có thể có mối quan hệ rất gần với các di tích: Thanh Điền (Tây Ninh), Angkor Borei, Phnom Da, Ba Phnom, Sambor Preikuk ở mạn Đông Nam lãnh thổ Vương quốc Campuchia.

Phế tích kiến trúc Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1570-VH/QĐ  ngày 05/09/1989.

DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC AN SƠN

(Xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa)

Di tích An Sơn  được hai nhà khảo cổ người Pháp là L. Malleret và P. Levy phát hiện từ năm 1838 và trải qua 3 lần khai quật lớn vào các năm 1978, 1997, 2004 do các nhà khảo cổ trong và ngoài nước thực hiện. Các cuộc khai quật này đã phát hiện nhiều di tích, di vật đa dạng, phong phú có thể tái hiện sinh động phương thức sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ nơi đây.

Đây là di tích cư trú và mộ táng có quy mô lớn, tầng văn hoá dày, thời gian cư trú khoảng 1500 năm, có niên đại khoảng 4000-2500 năm cách ngày nay, là một đối tượng quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học ở Long An và Đông Nam Bộ.

Di tích An Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 324/QĐ-BVHTTDL ngày 26/01/2011.

HUYỆN TÂN THẠNH

CĂN CỨ XỨ ỦY VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH KHÁNG CHIẾN NAM BỘ (1946 – 1949)

(Xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh)

Từ những năm 1946 – 1949, Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc đã chọn địa bàn xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh làm căn cứ để lãnh đạo chống thực dân Pháp tái xâm lược trên phạm vi toàn Nam Bộ.

Đây chính là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, là nơi lưu niệm quá trình hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà hoạt động chính trị, những nhà lãnh đạo quân đội.

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ (1946-1949) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT ngày 03/08/2007.

HUYỆN VĨNH HƯNG

GÒ Ô CHÙA

(Ấp I, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng)

Di tích Gò Ô Chùa nằm trên đường tiếp giáp giữa vùng rìa ở phía Bắc và vùng trũng ở phía Nam, thuộc ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có tọa độ 11000,08,, vĩ độ Bắc- 105046,18,, kinh độ Đông, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 3km. Gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 3 m, dài 450m theo hướng Bắc - Nam, rộng 150m theo hướng Đông - Tây. Bao quanh phía Bắc và phía Tây là rạch Ô Chùa, vốn bắt nguồn từ sông Cái Cỏ ở phía Bắc, là sông phân chia biên giới Việt Nam - Campuchia và sông Long Khốt ở phía Đông.

Di tích đã được khai quật 4 lần bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam và các nhà khảo cổ học Cộng hòa Liên bang Đức.

Kết quả nghiên cứu và khai quật trong thời gian qua đã đưa đến kết luận rằng di chỉ Gò Ô Chùa có quy mô rộng lớn và tầng văn hóa dày chứng tỏ cộng đồng cư dân cổ đã sống ở đây trong một thời gian dài, có thể đến 2.000 năm.

Từ các cuộc khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học cho rằng nền kinh tế của cộng đồng cư dân cổ ở đây đã khá phát triển và đã có sự phân công lao động chuyên hóa. Họ đã có mối giao lưu với thế giới bên ngoài như vùng Đông Nam Bộ và xa hơn mà các chứng tích là các di vật như nắp vung, bình gốm có miệng nhỏ hoặc táng tục (mộ vò có xương trẻ em ở lớp gần sinh thổ và mộ đất với các di cốt người được chôn duỗi thẳng cùng với đồ tùy táng...). Niên đại của di tích này đoán định khoảng 1.000 năm trước Công nguyên đến 1000 năm sau Công nguyên.

Gò Ô Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp dạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2004.

                              Bài: Hồ Phan Mộng Tuyền, PHÒNG NGHIỆP VỤ

                                         BAN QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH LONG AN

01/07/2015 4:00 CHĐã ban hànhApproved
Đình Mỹ Hạnh, ngôi đình lịch sửĐình Mỹ Hạnh, ngôi đình lịch sử

        Đình Mỹ Hạnh thuộc ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa là ngôi đình làng của làng Mỹ Hạnh xưa thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đình được vua Tự Đức sắc phong năm 1852 (Tự Đức Ngũ Niên). Với kiến trúc và bài trí thờ tự mang đậm nét truyền thống của đình làng Nam Bộ, đình Mỹ Hạnh là một thiết chế văn hóa cổ truyền của làng xã Việt Nam từng đảm nhận các chức năng xã hội và là trung tâm văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương. Ngày 01/11/1945, tại ngôi đình này đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng: Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm- Đức Hòa- đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của miền Đông Nam Bộ, được thành lập.

        Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong bối cảnh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Bên ngoài thì nạn ngoại xâm. Bên trong thì chưa ổn định, trong đó đặc biệt là sự phức tạp của tình hình lực lượng vũ trang ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, ở tỉnh Chợ Lớn và Tân An lúc này, song song với lực lương vũ trang do Đảng tổ chức và lãnh đạo là sự tồn tại của các lực lượng giáo phái, Bình Xuyên, thân Pháp, Nhật như đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sư đoàn. Các lực lượng này đang có xu hướng thổ phỉ hóa. Yêu cầu bức thiết lúc bấy giờ là xây dựng và thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang. Trước tình hình trên, ngày 15/10/1945, hội nghị về xây dựng Đảng ở Nam Bộ được tổ chức ở Mỹ Tho có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng dự ... đã quyết định giải thể 2 Xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng, thành lập Xứ ủy và các tỉnh thống nhất. Tiếp đó ngày 25/10/1945, tại hội nghị Thiên Hộ (Cái Bè-Mỹ Tho), Xứ ủy quyết định nhiều vấn đề quan trọng về xây dựng lực lượng vũ trang và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố Đảng lãnh đạo.

        Xuất phát từ chỉ đạo trên, theo ý kiến của các đồng chí trong Xứ ủy và tỉnh Gia Định, cuộc họp về việc thành lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm - Đức Hòa được triệu tập ở Mỹ Hạnh. Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa là vùng đất có bề dày truyền thống, có mối quan hệ gắn bó đặc biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa và đấu tranh ngoại xâm, áp bức phong kiến, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu năm 1885 do Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo. Đến thời kỳ có Đảng, truyền thống ấy càng được phát huy. Tại cuộc họp, các đồng chí trong Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định đã phân tích và nhấn mạnh đặc điểm lịch sử trên đối với yêu cầu thống nhất các lực lượng vũ trang do Đảng lãnh đạo để kháng chiến lâu dài. Hội nghị đi đến quyết định lấy các đơn vị bộ đội do các đảng viên tổ chức ở Hóc Môn-Bà Điểm- Đức Hòa thống nhất thành giải phóng liên quận. Ngày 01/11/1945, tại đình Mỹ Hạnh, Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm- Đức Hòa  làm lễ ra mắt trước đông đảo đồng bào Mỹ Hạnh. Bộ chỉ huy gồm: đồng chí Tô Ký làm chỉ huy trưởng; đồng chí Trần Văn Trà phụ trách chính trị; chỉ huy phó là các đồng chí Huỳnh Văn Một, Cao Đức Luốc, Huỳnh Tấn Chùa; phó chính trị là Hoàng Tế Thế. Nhiệm vụ của Giải phóng quân liên quận là bên cạnh chiến đấu còn làm công tác dân vận, xây dựng chính trị, vận động thống nhất các lực lượng vũ trang, phân hóa các lực lượng ô hợp. Sau một tháng hoạt động, đơn vị lớn mạnh nhanh chóng, phát triển từ 100 súng lúc mới ra đời lên 300 súng, thu hút nhiều lực lượng tìm về gia nhập. Ngày 20/11/1945, Hội nghị quân sự tại An Phú xã (Gia Định) và tiếp đó là chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương (vào đến Nam Bộ tháng 12/1945) chỉ đạo việc thống nhất chỉ huy và quy định khu vực hoạt động cho các lực lượng vũ trang, Xứ ủy đã quyết định thành lập khu 7,8,9, xây dựng lực lượng quân sự thành các Chi đội Vệ quốc đoàn. Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm- Đức Hòa trở thành lực lượng tham gia xây dựng các chi đội 12,14, nhất là chi đội 15. Đặc biệt, các đồng chí trong Bộ chỉ huy đơn vị đều trở thành lãnh đạo các chi đội. Đồng chí Tô Ký chi đội trưởng 12, Huỳnh văn Một chi đội trưởng 15. Đồng chí Trần Văn Trà khi về Đồng Tháp Mười xây dựng lại lực lượng khu 8, chính ông là Khu bộ trưởng và lực lượng về đây là 2 trung đội của Giải phóng quân liên quận. Với sự kiện thành lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn- Bà Điểm-Đức Hòa ngày 01/11/1945, đình Mỹ Hạnh đã đi vào lịch sử. Nó đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Long An và của cả Khu 8 dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng để sau này Chi đội 15 rồi Trung đoàn 308 gieo cho giặc bao nỗi kinh hoàng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với ý nghĩa lịch sử trên, đình Mỹ hạnh đã được công nhận là di tích lịch sử (Quyết định số 815/QĐ-UB ngày 01/02/2000).

        

Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải (người thứ ba, từ phải sang) và các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An tại buổi lễ khánh thành bia truyền thống.

        Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Giải phóng quân liên quận, ngày 01/01/2009, huyện Đức Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành bia truyền thống, lưu niệm sự kiện lịch ấy tại đình Mỹ Hạnh. Về dự buổi lễ năm ấy có các đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng lãnh đạo tỉnh Long An và huyện Đức Hòa.

        Trở lại Mỹ Hạnh, vùng đất của mười tám thôn vườn trầu hào khí năm xưa hài hòa trong không gian đình Mỹ Hạnh cổ kính là bia truyền thống kỷ niệm sự kiện thành lập Giải phóng quân liên quận được trùng tu xây dựng khang trang năm 2009 và bia liệt sĩ quanh năm hương khói như hình ảnh của sự đổi thay trên vùng đất này. Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Hạnh Bắc nay đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Phải chăng, nó đã được khởi nguồn từ truyền thống liên minh chiến đấu đầy tự hào và bất khuất của nhân dân Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa trong sự nghiệp yêu nước chống áp bức và chống ngoại xâm của cha anh./.

                                                                                 Bài và ảnh Nguyễn Tấn Quốc

 

14/11/2011 3:43 SAĐã ban hànhApproved
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của ông Đỗ Tường Phong và ông Đỗ Tường Tự ở Châu ThànhTruyền thuyết về cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của ông Đỗ Tường Phong và ông Đỗ Tường Tự ở Châu Thành

Ông Đỗ Tường Kiên và ngôi nhà 36 cửa – Trung tâm liên lạc của nghĩa quân trong phong trào vũ trang kháng Pháp của Thủ Khoa Huân
 

    Đầu thế kỷ XIX, theo dòng lưu dân Nam tiến có 3 anh em họ Đỗ quê ở Quảng Trị theo đường biển vào Nam khai phá khu vực hạ lưu sông Vàm Cỏ. Người anh cả dừng chân ở Nhựt Ninh khai phá đất đai xung quanh khu vực miểu Ông Bần Quỳ. Hai người em tiếp tục theo dòng Vàm Cỏ Tây ghé vào Tầm Vu và định cư tại đó. Thưở ấy đất đai còn hoang vu, rậm rạp đầy thú dữ và rắn độc. Hai anh em họ Đỗ ra sức chặt cây, phát cỏ, quyết tâm biến mảnh đất hoang vu thành ruộng vườn.Người anh là Đỗ Tường Kiên khẩn đất từ Bàu Chà, Ao Vang (ranh giới giữa xã Dương Xuân Hội và Long Trì ngày nay) đến Bàu Đôi, Bàu Lẻ, Cây Keo (giáp ranh xã Bình Cách – Tiền Giang ngày nay). Ông Đỗ Tường Kiên còn khẩn thêm một dây đất ở thôn Bình Trị (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị), còn người em là Đỗ Tường Ngọc khai khẩn vùng đất từ Ao Vang đến xã Long Trì. Với bản tính siêng năng tháo vát, chẳng bao lâu anh em họ Đỗ đã làm chủ một số đất đai lớn. Ông Đỗ Tường Kiên khẩn được 51 mẩu đất và trở nên khá giả. Ông kết hôn  với bà Huỳnh Thị Đức – người thôn Bình Trị – và sinh được 4 con trai là Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Thoại và Đỗ Tường Soạn. Bà Huỳnh Thị Đức nổi tiếng là người nhân hậu, chính bà đã từng giúp đỡ việc việc đèn sách cho Nguyễn Thông – một trí thức yêu nước lớn của Việt Nam.Sẳn tiền của, ông Đỗ Tường Kiên đã cho xây dựng tại làng Dương Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội) một ngôi nhà lớn nhất vùng với 36 cửa, xung quanh được bao bọc bởi 6 lớp rào tre.
 

Năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, và đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ năm 1861. Lúc bấy giờ ở vùng Long Trì, Bình Cách, Tầm Vu, Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh, Vĩnh Công…phong trào vũ trang chống Pháp dấy lên rất mạnh với các thủ lĩnh nghĩa quân như Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị, Trần Văn Trà, Nguyễn Hữu Huân. Với khả năng tài chính của mình, ông bà Đỗ Tường Kiên – Huỳnh Thị Đức đã hết lòng giúp đỡ quân kháng chiến về tiền bạc, lương thực. Ngôi nhà 36 cửa của họ Đỗ cũng trở thành trung tâm liên lạc của các thủ lĩnh nghĩa quân kháng chiến.

Trước ưu thế quân sự của thực dân Pháp và thái độ chủ hòa của Triều đình Huế, các phong trào kháng chiến ở Nam Bộ nói chung và huyện Tân Thạnh (Châu Thành ngày nay) nói riêng dần dần thất bại. Ông Phan Văn Đạt bị Pháp giết, Thủ Khoa Huân bị bắt đày sang Nam Mỹ. Năm 1869, Pháp đưa Thủ Khoa Huân về Sài Gòn và giam lỏng tại nhà việt gian Đỗ Hữu Phương. Đến năm 1872, Thủ Khoa Huân bí mật trở về Bình Cách và tổ chức một phong trào kháng Pháp mới. Hai người con trai của ông Đỗ Tường Kiên là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự cũng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân. Nhà 36 cửa lúc này lại là một trung tâm liên lạc lớn của nghĩa quân. Nhưng cuộc khởi ngĩa lần 2 của Thủ Khoa Huân cũng bị thất bại. Ông bị Pháp bắt vào tháng 4/1875 và bị chém tại Mỹ Tịnh An. Thực dân Pháp biết họ Đỗ đã từ lâu ngấm ngầm ủng hộ quân khởi nghĩa, nên đã bắt giam  ông Đỗ Tường Kiên, dọa nạt, tra tấn, buộc ông phải gọi 2 người con ra đầu thú. Ông kiên quyết chối từ nên bị Thực dân Pháp đã đánh đập dã man, đến khi thấy sức khỏe của ông quá yếu chúng phải cho bà Huỳnh Thị Đức lãnh ông về nhà. Chẳng bao lâu ông Đỗ Tường Kiên mất vào ngày 20-10 âm lịch năm Đinh Sửu (1877), mộ chôn gần nhà 36 cửa. Giặc Pháp tiếp tục mua chuộc, ép buộc bà Huỳnh Thị Đức gọi 2 con ra hàng nhưng bà vẫn không khuất phục. Cuối cùng Thực dân Pháp quyết định cho đốt ngôi nhà 36 cửa. Khi ngôi nhà này bị đốt, thóc lúa trong nhà cháy đến một tháng sau vẩn còn khói. Pháp còn đem người con út của họ Đỗ là Đỗ Tường Soạn cắt gân, khắc nhượng cho tàn phế vì cho rằng ông có dính líu đến nghĩa quân. Về phần bà Huỳnh Thị Đức, sau khi ngôi nhà bị cháy bà  phải về nương náu ở Bình Trị và qua đời tại đây.

 

Nhà 36 cửa hiện chỉ còn một ngôi vườn rộng khoảng 5000m2 giữa đồng trống thuộc xã Dương Xuân Hội. Tuy đã bị đốt cháy từ lâu, nhưng tại đây vẩn còn  phế tích là những đống gạch ngói đổ nát rất lớn đủ để chứng minh quy mô xưa kia của ngôi nhà như thế nào.

 

Anh em Đỗ Tường Phong – Đỗ Tường Tự và cuộc khởi nghĩa năm 1878  ở Tầm Vu – Bình Cách:

 

Ông Đỗ Tường Phong là con cả và ông Đỗ Tường Tự là người con thứ ba trong một gia đình giàu có ở làng Dương Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội – huyện Châu Thành). Song thân của hai ông là ông bà Đỗ Tường Kiên-Huỳnh Thị Đức, một trong những người đầu tiên có công khai phá vùng đất Tầm Vu, Dương Xuân Hội thuộc huyện Châu Thành ngày nay.Thưở nhỏ, hai ông được cha mẹ cho học chữ Hán. Khi hai ông trưởng thành, thì Thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông Đỗ Tường Phong đã tòng quân theo Trương Định lập căn cứ kháng Pháp ở Tân Hòa (Gò Công). Năm 1864 căn cứ Tân Hòa thất thủ, Trương Định tự sát, ông Đỗ Tường Phong phải ra Huế nhận một chức quan để đợi thời cơ về Nam đánh Pháp.

Ở vùng Tân Thạnh – Kiến An [Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang)] từ 1872 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lần 2 do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Lúc bấy giờ, ông Đỗ Tường Phong đã bí mật từ  Huế trở về tham gia cuộc khởi nghĩa này. Ông Đỗ Tường Tự năm 1874 đang làm Hương Thân làng Dương Xuân cũng đã gia nhập vào hàng ngũ kháng chiến. Ông đã bán 3 mẫu đất được gia đình chia cho ở Vĩnh Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội) để lấy tiền nuôi nghĩa quân. Tháng 9/1874, Pháp huy động lực lượng mạnh do Trần Bá Lộc chỉ huy tấn công vào căn cứ Bình Cách. Đến tháng 4/1875, Pháp bắt được Thủ Khoa Huân và đem xử chém tại làng Tịnh Hà, Chợ Gạo. Trước tình thế ấy, hai ông Đỗ Tường Phong – Đỗ Tường Tự đã quyết tâm tiếp nối ngọn cờ khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân. Hai ông đã tập hợp những nghĩa quân đang phiêu tán trong vùng và chiêu mộ những người yêu nước khắp nơi tới ứng nghĩa. Ông Đỗ Tường Tự còn bán tiếp phần ruộng Cây Keo để làm quân phí và mua thuốc súng, vũ khí. Nghĩa quân tụ họp ngày càng đông, hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự quyết định chọn vùng Long Trì, Bình Cách làm căn cứ khởi nghĩa. Giặc Pháp biết việc này nên đã tra tấn ông Đỗ Tường Kiên đến nổi phải mang bệnh mà chết. Chúng còn cho đốt nhà 36 cửa, cắt gân ông Đỗ Tường Soạn để ép buộc hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự phải ra đầu thú. Nhưng cả gia đình họ Đỗ đã kiên quyết ủng hộ hai ông đứng lên khởi nghĩa. Sang năm Mậu Dần 1878, sau khi chuẩn bị mọi điều kiện về vũ khí, lương thực, đạn dược, hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự làm lễ xuất quân ở ruộng Cây Keo (nay thuộc ấp Vĩnh Xuân , xã Dương Xuân Hội) rồi tiến đánh đồn Bình Cách. Sau đó nghĩa quân về căn cứ Long Trì-Bình Cách và tập kích các đồn Pháp trong vùng. Giặc Pháp bèn đem lực lượng đến đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng có hạn, chiến đấu đơn độc không có lực lượng tiếp ứng, lại bị bọn gian thương bán súng giả…nên nghĩa quân nhanh chóng thất bại. Nhiều nghĩa quân bị Pháp bắt, chém đầu chôn chung trên một gò đất ở Vĩnh Xuân mà hiện nay nhân dân vẫn gọi là Gò trăm đầu. Thất trận ông Đỗ Tường Tự lánh về Phú Hòa (nay là xã Trung Hòa – Tiền Giang), đến ngày 23/4 năm Mậu Dần (1878) ông bị Pháp bắt giải về làng Dương Xuân. Bọn giặc ra sức dụ hàng ông, chúng hứa sẽ cho ông lãnh chức Tổng trấn Tân An – Mỹ Tho nhưng ông đã khảng khái chối từ. Ba hôm sau, ngày 26/4, Pháp đem ông đến đình làng Dương Xuân xử tử. Hương chức và dân làng đều cảm phục Đỗ Tường Tự. Họ kéo nhau đến chợ Tầm Vu thật đông đảo để tiễn ông. Mẹ ông và vợ con ông đã bày sẳn một mâm cơm để tế sống ông. Bà Châu Thị Đạt - vợ ông Đỗ Tường Tự , người làng Thuận Lễ – dẫn 3 người con đến lạy ông mỗi người 4 lạy. Ông Đỗ Tường Tự đầu bịt khăn tang lạy mẹ mình là bà Huỳnh Thị Đức, rồi hướng về Thuận Lễ lạy mẹ vợ. Sau đó ông bồng 2 người con trai là Đỗ Tường Hiệu và Đỗ Tường Tị lên đùi và dặn rằng:“Ta còn sống thì đánh Pháp đến cùng, đến chết mới thôi. Ta cấm con cháu không đứa nào được ăn cơm của Tây. Phần ta thì chết đâu chôn đó, khỏi xây mồ mả gì cả”.

 

Sau cùng ông rót rượu cảm ơn bà con và Hương chức đã đến tiễn đưa, rồi ung dung để cho giặc đưa ra pháp  trường ở phía sau đình Dương Xuân. Khi bọn Pháp bịt mắt ông chuẩn bị bắn, ông nói:“Đừng bịt mắt, hãy để ta thấy súng Tây trước khi chết”.

 

Sau khi ông mất, bà con chợ Tầm Vu góp tiền tặng ông một cỗ quan tài tốt. Vợ ông mang đến một đôi chiếu Thuận Lễ để tẩn liệm cho ông. Theo di huấn, mọi người mai táng ông bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình  Dương Xuân. Người cận vệ của ông vốn là dân tộc thiểu số, mọi người thường gọi là ông mọi,  vì quá tiếc thương chủ tướng nên xin được chết theo cho trọn nghĩa. Giặc Pháp bèn bắn luôn người nghĩa sĩ vô danh này, và chôn bê cạnh mộ ông Đỗ Tường Tự.

 

Về phần ông Đỗ Tường Phong, sau khi thất trận ở Bình Cách - Long Trì, ông tạm lánh về Tân Hương – Mỹ Tho rồi bị Pháp bắt đem về Bình Lập (nay thuộc Thị xã Tân An). Ngày 29/4 năm Mậu Dần, Pháp xử chém ông tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, Thị xã Tân An). Đao phủ là Đội Rựa – người Cần Thơ – thực hiện bản án. Tương truyền ông Đỗ Tường Phong trước lúc mất có cầm cây quạt ngà đưa cho Đội Rựa và nói rằng:“Đội Rựa đưa ta một đao cho tốt, ta tặng mi cây quạt ngà”.

Đội Rựa lạy ông 3 lạy rồi nói: “Quan lớn vươn cổ cho ngay để tôi khai đao cho ngọt”.

 

Nói xong, Đội Rựa mới vung đao tiễn ông về chín suối. Gia đình họ Đỗ đem ông về an táng ở thôn Bình Trị (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành).

 

*Vài dấu tích còn lại:

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của 2 anh em Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đã diễn ra cách nay hơn một thế kỷ, nhưng dư âm của nó còn tồn tại qua ký ức của nhân dân và những di tích – địa danh trên đất Châu thành.

 

-Mộ ông Đỗ Tường Tự và ngôi miếu thờ:

Tương truyền, sau khi qua đời, Đỗ Tường Tự vẫn thường hiển linh cho nhân dân quanh chợ Tầm Vu thấy nên mọi người đã xây một ngôi miếu nhỏ để thờ ông. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi miếu này hiện nay không còn nữa. Nhân dân đã đem linh vị của ông Đỗ Tường Tự  vào thờ trong đình Tân Xuân.

Ngôi mộ của ông Đỗ Tường Phong và người cận vệ đến năm 1994 vẫn còn là ngôi mộ đất nằm cạnh con đường nhỏ thuộc phần đất của ông Đỗ Thanh Hùng. Năm 1994, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã xây lại mộ ông Đỗ Tường Tự bằng xi măng. Hiện nay đình Dương Xuân và mộ ông Đỗ Tường Tự đang được lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định đăng ký di tích lịch sử – văn hóa.

-Mộ ông Đỗ Tường Phong:

Tương truyền năm 1878, Thực dân Pháp chém ông Đỗ Tường Phong chỉ trả lại thân còn đầu thì bêu để thị chúng. Gia đình phải làm lại đầu ông bằng sáp chắp vào thân để mai táng ở Bình Trị. Mộ ông được xây bằng đá ong, đến năm 1991 Sở Văn hóa Thông tin Long An đã cho cải táng và xây lại bằng ciment.

-Gò Trăm Đầu:

Gò Trăm Đầu nằm trên phần ruộng Cây Keo là nơi vào năm Mậu Dần (1878) ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đã làm lễ xuất quân đánh Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Pháp đã cho chém đầu hàng loạt nghĩa quân rồi chôn chung thành một gò mả ở ruộng Cây Keo nên nhân dân gọi đây là Gò Trăm Đầu. Ngày nay Gò trăm đầu chỉ còn là một gò đất nhỏ, trên mọc lơ thơ vài ba cây trâm bầu.

-Gò Ông Tự – Gò Ông Chử:

Tọa lạc tại ấp Long Bình - xã Long Trì - huyện Châu Thành, nơi đây từng là căn cứ của một bộ phận nghĩa quân trong phong trào khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân và Đỗ Tường Phong -  Đỗ Tường Tự sau này.

Gò Ông Tự, có người giải thích đây là nơi ông Đỗ Tường Tự đóng quân, theo các cụ già trước đây rất rộng, cây cối rậm rạp. Hiện nay gò này chỉ còn lại một phần nhỏ, phía trên mặt gò mọc nhiều cỏ cây hoang dại.

Gò Ông Chử (nơi một bộ tướng tên Chử đóng quân) cách Gò Ông Tự chừng 100m ngày nay chỉ còn là một dãy đất cao 0,5m , rộng 2,5m , chạy dài 30m. Cách nay khoảng 30-40 năm, gò này vẫn còn cao ngang ngực, giống như một lũy đất có lẫn đá ong, thân lũy có đóng nhiều cây cột bằng gỗ trai. Hiện tại bên dưới lớp đất của Gò Ông Chử vẫn còn tìm thấy nhiều tảng đá ong xếp nối nhau làm nền. Có thể đây là một chiến lũy cũ trong hệ thống căn cứ kháng chiến của Thủ Khoa Huân và Đỗ Tường Phong -  Đỗ Tường Tự  xưa kia.
                                                                                                Nguyễn văn Thiện

 

 

14/05/2013 3:17 SAĐã ban hànhApproved
CẦN ĐƯỚC: DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM NGHỆ NHÂN,  NHẠC SƯ NGUYỄN QUANG ĐẠI CẦN ĐƯỚC: DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM NGHỆ NHÂN,  NHẠC SƯ NGUYỄN QUANG ĐẠI

Vừa qua, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trương Hòa Bình cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An – Nguyễn Thanh Hải; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh – Trương Văn Nọ và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đến dâng hương tưởng niệm nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

22-2-2022 Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trương Hòa Bình.jpg 

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ - Trương Hòa Bình
dâng hương tại đình Vạn Phước

Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại là vị nhạc quan yêu nước của triều Nguyễn. Tuy nhiên, ông từ quan để hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp vào năm 1885 và vào Nam dạy nhạc lễ, nhạc tài tử. Khi vào Nam, ông chọn Cần Đước là nơi lưu lại và truyền dạy nhạc lâu nhất. 

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại là người có công lớn trong việc biên soạn và truyền dạy nhiều thế hệ nhạc công đờn ca tài tử đất Nam Bộ. Sau thời gian truyền dạy nhạc tại Cần Đước, ông trở về ĐaKao Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dạy nhạc và qua đời tại Quận 8. Trước đây, lễ húy kỵ và linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tổ chức tại Quận 8. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người dân tỉnh Long An, nơi ông từng lưu lại và truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử, năm 1996, linh vị của ông được thỉnh về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ phụng.

22-2-2022 Nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục đờn ca tưởng niệm nghệ nhân.jpg 

Nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục đờn ca tưởng niệm nghệ nhân,
nhạc sư Nguyễn Quang Đại

Vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Cần Đước tổ chức lễ cầu an, lễ húy kỵ đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại nhằm ghi nhớ công lao to lớn của ông./.

Hồng Phong


22/02/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
CHÁO MÔN LƯƠN - MỘT ĐẶC SẢN CỦA VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI (LONG AN)CHÁO MÔN LƯƠN - MỘT ĐẶC SẢN CỦA VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI (LONG AN)

Cháo môn lươn là món cháo lươn đậu xanh nấu với cây môn ngứa (hay môn nước) một món ăn bình dị phổ biến ở các vùng thôn quê, nhưng có thể với nhiều người đây là món lạ bởi cây môn ngứa chẳng những ăn không được mà còn ngứa xé miệng, không có thuốc trị. Nhưng có lẽ ông cha ta thời khai hoang, mở đất phải bỏ nhiều công sức mới khám phá được món ăn độc đáo này.

Đổ ống trúm bắt lươn.jpg
Đổ ống trúm bắt lươn

Đồng Tháp Mười - Long An là một trong những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về sản vật, mỗi mùa có một đặc sản riêng. Đặc biệt là các loài động vật, thủy sản và rau củ, trong đó có loài lươn đồng thượng phẩm, cùng với cây môn ngứa thiên nhiên có thể chế biến nồi cháo lươn có hương vị đậm mùi hương quê. Nơi đây muốn bắt lươn nấu cháo thì không khó: Vào mùa khô, lươn thường làm "nhà" ở hang sâu dưới rụông để ẩn náu, tránh nắng nóng chờ mưa xuống, và bất chợt những cơn mưa đầu mùa ập xuống, những đống tro đốt đồng cuốn theo nước mưa, trút xuống, chảy tràn vào những kẽ ruộng nứt, tấn công vào nhà lươn, không chịu được vị mặn của tro, gia đình lươn đành trồi lên miệng hang. Đó là thời điểm ta có thể bắt lươn dễ dàng mà không cần sử dụng công cụ nào. Sau khi bắt lươn, cắt môn ngứa là có thể tiến hành các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu để nấu cháo. "Mần" lươn không khó nhưng cũng đòi hỏi phải có chút kinh nghiệm, bởi lươn là loài không vảy, nếu làm không đúng cách thì khi nấu sẽ có mùi tanh. Trước hết bỏ lươn vào một cái nồi, đổ giấm ngập thân lươn, chờ vài phút cho trắng da và sạch nhớt. Sau đó tiến hành mổ bụng lươn, bỏ ruột, để ráo. Theo kinh nghiệm dân gian, mần lươn không dùng dao sắt mà tốt nhất là sử dụng cật tre vót mỏng để tránh sự tương khắc giữa máu lươn và kim lọai có thể gây tanh. Lươn có thể để nguyên con hoặc cắt khúc và dùng một sợi dây nhỏ buộc chặt xung quanh để khi nấu thịt không rã. Bẹ môn ngứa rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt đọan dài 2-3 phân, gạo và đậu xanh ngâm trong nước, sả cắt khúc, ớt băm nhuyễn, và một số gia vị khác. Công đoạn đầu là nấu cháo đậu xanh thật chín nhừ, cho lươn vào và nêm gia vị. Đợi lươn chín, gắp ra đĩa, cho cọng môn vào, nêm ít muối, nước mắm, bột ngọt, tiêu, ớt, hành… cho vừa ăn. Để khử chất ngứa trong môn thì trong quá trình nấu không được tắt lửa, đợi đến khi cọng môn mềm nhũn rồi mới nhấc xuống. Ăn cháo khi còn nóng mới cảm nhận hết được mùi vị đặc trưng riêng của món cháo vùng này. Nhớ lại, cách đây vài năm, nhân chuyến đi công tác ở vùng Đồng Tháp Mười, được một người bạn đãi món cháo môn lươn mà ngày ấy đến nay tôi vẫn không quên được hương vị đặc trưng của cháo lươn vùng này: Thơm đến ngạt cả mũi, nhớ mùi hành tăm và rau thơm quyến rũ, vị ngon ngọt của miếng thịt lươn cùng miếng môn tan chảy từ từ thấm vào vị giác, kết hợp mùi thơm vừa cay vừa nồng, vừa thổi vừa ăn như muốn quéo cả lưỡi, mồ hôi lấm tấm chảy trên trán, càng ăn càng thấy ngon, ăn một chén vẫn chưa đủ, đến chén thứ ba dù đã no vẫn muốn ăn thêm. Tôi tự hỏi không biết giữa lươn và môn ngứa có chất gì hóa giải mà khi nấu chung thì có vị ngon tuyệt vời, quả thật mấy món độc chiêu thời hiện đại cũng không sánh kịp.

Cắt môn nấu cháo lươn.jpg
Cắt môn nấu cháo lươn
Nấu cháo môn lươn.jpg
Nấu cháo môn lươn

Đến vùng Đồng Tháp Mười (Long An) - xứ sở của không gian văn hóa ẩm thực "hoang dã" nổi tiếng không chỉ có đặc sản cháo môn lươn mà còn có nhiều món ăn khác như: Cá lóc nướng cuốn lá sen non, thịt chuột đồng, các món ăn chế biến từ cá linh…Nhưng với tôi, một lần được thưởng thức món cháo môn lươn trong không gian văn hóa ẩm thực Đồng Tháp Mười, nơi có mảnh vườn, thửa rụông, bờ ao, bạn tri âm… Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên ấy như có sự kết nối tình cảm giữa những con người nơi đây với mọi miền đất nước để rồi khi xa vẫn nhớ mãi không quên./.

                                                                                         Bài: Đỗ Thị Lan, Ảnh: Văn Ngọc Bích

                                                                              (Bảo tàng LA)

03/06/2015 3:00 CHĐã ban hànhApproved
ĐỨC HÒA TỔ CHỨC HỘI THI HÁT KARAOKE CHÀO MỪNG  KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN 26/3 ĐỨC HÒA TỔ CHỨC HỘI THI HÁT KARAOKE CHÀO MỪNG  KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN 26/3

Trong 2 ngày 16-17/3/2022, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Hòa phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn Đức Hòa tổ chức Hội thi hát Karaoke chào mừng ngày đoàn viên 20/3 và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3.

17-3 DUC HOA TO CHUC HOI THI HAT KARAOKE CHAO MUNG KY NIEM 91 NAM NGAY THANH DOAN anh 2.jpg 

Hội thi có 66 tiết mục đến từ các cơ quan, trường học, xã thị trấn trên địa bàn huyện tham dự. Trong đó có 36 tiết mục ở bảng A thuộc các cơ quan, ban, ngành huyện và các trường mẫu giáo; 30 tiết mục ở bảng B thuộc khối xã, thị trấn và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Với các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, các thí sinh đã thể hiện những ca khúc về đoàn viên thanh niên, cách mạng, ca ngợi Bác Hồ, Mẹ Việt Nam anh hùng, ca ngợi truyền thống đấu tranh của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước,… Nhiều tiết mục dự thi có sự đầu tư chỉnh chu từ trang phục đến dàn dựng tiết mục, múa, diễn minh họa sinh động, thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau, trọn vẹn nội dung bài hát.

Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã trao 32 giải thưởng cho các tiết mục xuất sắc đạt giải. Trong đó, thí sinh Từ Thị Thu Thảo, Trường Mầm non Sơn ca với tiết mục Huyền thoại Mẹ và thí sinh Phạm Thị Ngọc Yến, thị trấn Đức Hòa với tiết mục Câu hò điệu lý còn đây đã xuất sắc đồng giải nhất ở 2 bảng dự thi. Giải nhì thuộc về các thí sinh Thái Thị Ngọc Lành, Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Dương; Hà Bội Tuyền, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú; Trần Thị Lệ Thu, Thị trấn Hậu Nghĩa; Nguyễn Thị Lan Vi, Trường THPT Hậu Nghĩa. Đồng thời, hội thi cũng trao 34 giải khuyến khích phong trào cho các thí sinh dự thi.

17-3 DUC HOA TO CHUC HOI THI HAT KARAOKE CHAO MUNG KY NIEM 91 NAM NGAY THANH DOAN anh 1.jpg 

Thông qua hội thi đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, phát huy truyền thống phẩm chất tốt đẹp của đoàn viên thanh niên. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu giao lưu, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện./.

Nhã Phương


18/03/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
GÒ GÒN - ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC GÒ GÒN - ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

Gò Gòn tọa lạc tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, trước kia là một gò đất cao nằm ở vùng rìa Đồng Tháp Mười. Theo lời kể của các bô lão địa phương, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, khi những cư dân đầu tiên đến vùng đất này khai hoang lập ấp, đã thấy một gò đất cao ráo giữa cánh đồng trũng thấp, đỉnh gò có một cây gòn cổ thụ, tàn lá xum xuê, 3 người ôm không xuể. Vì thế, họ đã đặt tên gò đất này là Gò Gòn, địa danh ấy được lưu truyền cho đến ngày nay.

 27-6-2022 Nhà bia chiến thắng Gò Gòn trong Khu di tích lịch sử Gò Gòn.jpg

Nhà bia chiến thắng Gò Gòn trong Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Gò Gòn còn là một di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ II đến thế kỷ VI, VII sau công nguyên). Năm 1989, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 2 phế tích kiến trúc cổ thuộc loại hình kiến trúc đền tháp Ấn Độ giáo tại Gò Gòn. Phát hiện này cho thấy vùng đất nơi đây đã có lịch sử từ lâu đời.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Gòn - huyện Tân Hưng ngày nay thuộc địa bàn Vùng 8 của tỉnh Kiến Tường. Ngày 28/01/1960, phong trào Đồng Khởi bùng nổ và lan rộng khắp các vùng thuộc tỉnh Kiến Tường. Tại Vùng 8, Tỉnh ủy Kiến Tường chủ trương đưa đơn vị 402 cơ động tỉnh về phối hợp với đơn vị 408 đang hoạt động tại chỗ, tìm cách tiêu diệt bọn bảo an, dân vệ trong vùng, trừ khử những tên địa chủ ác ôn, đồng thời đột nhập vào các khu trù mật, khu dinh điền hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá khu gom dân của địch, giành quyền làm chủ ở cơ sở.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 02/02/1960, một tiểu đội thuộc đơn vị 408 phục kích sẵn tại sân lúa của tên địa chủ ở ấp Ba Gò, xã Hưng Điền chặn đánh một tiểu đội bảo an từ Sông Trăng kéo sang, diệt và thu được vũ khí một tên địch. Sau đó, đơn vị 408 rút về phối hợp với đơn vị 402 đang phục kích ở đường Xe, ấp Kinh để chặn đánh bọn địch đi tiếp viện. Khi địch lọt vào trận địa, quân ta nổ súng diệt 8 tên, thu 7 khẩu súng. Sau hai trận đánh trên, quân ta rút về đóng tại Gò Gòn (lúc này thuộc xã Vĩnh Thạnh). Khoảng 7 giờ sáng ngày 03/02/1960, Ban Chỉ huy đơn vị 402 và 408 đang họp bàn rút kinh nghiệm các trận đánh thì nhận được tin của trinh sát báo rằng địch đang đổ quân vào Gò Gòn tìm diệt lực lượng ta. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy trận đánh cấp tốc thành lập, gồm các đồng chí Lê Văn Hiền - Chỉ huy trưởng, Hà Tây Giang - Chính trị viên, Huỳnh Nho - Chỉ huy phó. Lực lượng tham gia trận đánh gồm hơn 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị 402, hơn 40 cán bộ,  chiến sĩ  thuộc đơn vị 408 với cùng 2 tiểu đội  du kích xã Vĩnh Thạnh. Trận địa phục kích được bố trí ở phía Nam Gò Gòn, lúc này lúa đã được gặt nên địa hình trống trải, bộ đội phải dùng cỏ, rơm khô để ngụy trang. Lực lượng của ta vừa bố trí đội hình xong thì địch xuất hiện ngay trước trận địa. Chờ cho địch vào cách trận địa 20m, đơn vị 408 phục kích tấn công chính diện, đơn vị 402 nổ súng đánh thọc sườn. Sau 15 phút chiến đấu, bộ đội, du kích đồng loạt xung phong truy kích địch đến Gò Rộc Chanh. Sau gần 3 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 50 tên, bắn bị thương 70 tên, thu 39 súng, 5 máy thông tin PRC.10, bắt sống 21 tên (trong đó có tên đại úy tiểu đoàn trưởng). Sau này du kích và nhân dân còn thu nhặt được trên một trăm khẩu súng các loại do địch bỏ lại ở khu vực Gò Gòn. Như vậy, qua trận chiến Gò Gòn, quân ta đã tiêu diệt được tiểu đoàn chủ lực Ó Đen của ngụy và đánh tan tác đại đội bảo an của quận Tuyên Bình.

27-6-2022 Sa bàn tái hiện trận Gò Gòn tại Khu di tích.jpg 

Sa bàn tái hiện trận Gò Gòn tại Khu di tích

Chiến thắng Gò Gòn đã mở đầu cho cao trào Đồng Khởi (1960 - 1961) của nhân dân Đồng Tháp Mười nói chung và tỉnh Kiến Tường nói riêng, với sự nổi dậy và tiêu diệt hàng chục đồn của địch, phá tan 5 khu trù mật trong vùng và góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược " Chiến tranh một phía" của Mỹ - Diệm. Chiến thắng này đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với ý nghĩa lịch sử ấy, Gò Gòn đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 499/QĐ.UB ngày 27/02/1997.

27-6-2022 Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Gò Gòn.jpg 

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Năm 2003, nhằm ghi dấu chiến công oanh liệt của quân, dân Kiến Tường và góp phần tạo dựng cho vùng đất Đồng Tháp Mười anh dũng một công trình văn hóa có ý nghĩa về giáo dục truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Hưng đã đầu tư kinh phí xây dựng Bia chiến thắng Gò Gòn. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Gò Gòn tiếp tục được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng và ngân sách huyện 1,5 tỷ đồng. Ngày 20/01/2022, huyện Tân Hưng đã tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Gò Gòn nhằm chính thức đưa công trình vào sử dụng, phát huy giá trị di tích.

27-6-2022 Một góc trưng bày trong Nhà truyền thống - Khu di tích lịch sử Gò Gòn.jpg 

Một góc trưng bày trong Nhà truyền thống - Khu di tích lịch sử Gò Gòn

Từ khi được đưa vào hoạt động, Khu di tích lịch sử Gò Gòn đã trở thành một địa chỉ đỏ, một điểm đến không thể bỏ qua trong những buổi về nguồn, những chuyến tham quan, tìm hiểu về lịch sử của các em học sinh, thanh niên, các cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng trong và ngoài tỉnh khi đến vùng đất Tân Hưng giàu truyền thống cách mạng. Trong tâm thức của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long An, Khu di tích lịch sử Gò Gòn không chỉ là chứng tích cho những đóng góp lớn lao về sức người, sức của của người dân Đồng Tháp Mười đối với cách mạng, nơi ghi dấu chiến công oai hùng của ông cha trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là nơi thể hiện lòng tri ân, thành kính, tinh thần tự hào dân tộc của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Hồng Nhung


27/06/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
Khánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ), ngày 02/9/2017. Kỳ 1: Bình Thành, căn cứ vùng bưng trấp, căn cứ lòng dânKhánh thành Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ), ngày 02/9/2017. Kỳ 1: Bình Thành, căn cứ vùng bưng trấp, căn cứ lòng dân

Từ trong thiên nhiên đa dạng với hệ sinh thái, địa hình mang cả yếu tố Đông và Tây Nam Bộ, các thế hệ cách mạng Long An với kinh nghiệm xây dựng căn cứ kháng chiến đã hình thành nên một căn cứ vùng bưng trấp đặc thù và sáng tạo trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và hào hùng.

Bình Thành là khu căn cứ cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là vùng đất trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn những giồng đất cao tạo nên địa hình khá phức tạp, được Tỉnh ủy chọn làm căn cứ lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi.

Ảnh kỳ 1 - Đội nữ Văn công Long An biểu diễn văn nghệ tại căn cứ Bình Thành (Đức Huệ) phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968.jpg

Đội nữ Văn công Long An biểu diễn văn nghệ tại căn cứ Bình Thành (Đức Huệ)
phục vụ Chiến dịch Mậu Thân 1968

Từ kinh nghiệm Mớp Xanh (Bo Bo) đến Khu Đông Thành

Bình Thành là vùng đất nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với trung tâm là Giồng Ông Bạn, xuất hiện khá sớm từ năm 1867, là một trong những thôn xã của Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Tân Long (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), địa hình bưng biền xen lẫn những giồng đất cao có cư dân cư trú, lau, sậy, đưng, đế, năn, bàng, tràm,... mọc um tùm, có những trũng, bưng sâu sình lầy bập bềnh vùi lấp bất cứ những gì lọt vào trong nó mà địa danh trấp Rùng Rình vẫn còn lưu truyền trong dân gian.

Giao thông ở đây cực kỳ khó khăn, chỉ có thể đi bộ; những con rạch, kênh, mương biến thành những lối mòn nước sền sệt nhưng cũng không thể đi xuồng,... Ở đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện về đồng Chó Ngáp - Một cánh đồng rộng lớn, hoang hóa, không xóm làng, nhà cửa, đầy lùm bụi thấp, gai gốc, gò nổng, sình trấp,... thường gọi là vùng Mỏ Vẹt (Ba Thu), phần lớn nằm trong huyện Đức Huệ, là gạch nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Khi các chiến sĩ giao liên đưa cán bộ, bộ đội băng qua đồng phải dùng chân trời, nơi có một vài đọt tràm vượt lên để định vị mà ước lượng độ xa gần của từng chặng đường, phải đi một mạch gần cả ngày trời mới có chỗ dừng chân. Một lần, có anh giao liên dẫn con chó theo cho có bạn trong chuyến giao liên trở về. Lúc khởi hành, con chó đi phía trước nhưng càng đi nó càng chậm dần, đến trưa thì lẫn trong đoàn người, cuối cùng thì tụt lại phía sau, vừa chạy theo vừa ngáp, mọi người quay lại nhìn, cười rộ lên. Rồi tiếng ngáp của nó thưa và nhỏ dần, cuối cùng là tiếng rên. Mọi người dừng lại. Tội nghiệp con chó, nó gục chết trên đường giao liên. Câu chuyện cảm động truyền đi trên khắp các nẻo đường giao liên ở Nam bộ và cũng từ đó, cánh đồng này được gọi là đồng Chó Ngáp. Những trấp Rùng Rình, đồng Chó Ngáp,... phản ánh sự hiểm địa và khắc nghiệt của vùng đất này.

Chính yếu tố địa lý ấy nên sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (11/1940), lực lượng khởi nghĩa ở Tân An, Chợ Lớn, Gia Định lên khu vực kinh Bo Bo, Mớp Xanh thuộc các làng: Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa (Bắc Thủ Thừa), trấp Rùng Rình (làng Phong Phú, Mộc Hóa) tiếp tục bắt liên lạc với lực lượng của Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) và bộ phận nghĩa quân của Chợ Lớn - Gia Định rút lên Truông Mít (Tây Ninh) trở về, thống nhất thành lập căn cứ Mớp Xanh (hay còn gọi căn cứ Bo Bo) trên địa bàn rộng khoảng 35km, dài 70km, nằm giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, tiếp tục duy trì hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa lần hai.

Căn cứ gồm 6 "lõm" căn cứ, 1 căn cứ hoạt động vũ trang, có hẳn một "Ủy ban khởi nghĩa" với 5 tiểu ban giúp việc (tác chiến, tạo tác vũ khí, tuyên truyền báo chí, y tế và tiếp tế) và cơ quan tòa án để duy trì kỷ luật. Cuối tháng 3/1941, Xứ ủy chủ trương giải thể căn cứ do chưa đủ điều kiện khởi nghĩa lần hai nhưng lực lượng vẫn phân tán về bám các địa phương hoạt động, xây dựng cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới.

Căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) dù tồn tại sau 4 tháng hoạt động, diệt 68 tên địch, trong đó có 17 tên có tội ác nghiêm trọng, làm bị thương 70 tên, thu 30 súng các loại, làm cho Pháp và tay sai mất ăn, mất ngủ, làm tiền đề chuẩn bị cho giai đoạn tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và là kinh nghiệm quý báu về xây dựng căn cứ kháng chiến về sau này.

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, báo hiệu cuộc xâm lược nước ta lần hai. Các cơ quan cấp Nam bộ theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy lâm thời, rút về vùng Bình Hòa, quận Thủ Thừa (nay thuộc ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), đến tháng 5/1946, Pháp càn vào Bình Hòa, các cơ quan và các đơn vị bộ đội rút về vùng Bắc Chan, quận Mộc Hóa, đến tháng 7/1946 thì rút về khu vực kinh Dương Văn Dương.

Dù vậy, các xã Bắc Thủ Thừa (Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý) do vị trí hành lang nối liền Đông Nam Bộ và Đồng Tháp Mười nên cuối năm 1946, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ quyết định thành lập Khu Đông Thành, là căn cứ của Bộ Tư lệnh Khu 7 (do Trung tướng Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng), lực lượng vũ trang chủ lực của khu, Trường Quân chính, Công binh xưởng và các ban, ngành khác của khu bộ, địa phương.

Đến đầu năm 1948, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình được rút về Bộ Tư lệnh Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Khu 7 cũng rời khỏi Khu Đông Thành nhưng các cơ quan cấp tỉnh của tỉnh Chợ Lớn: Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến, Tỉnh đội, Ty Công an, Trường Đảng, Ty Y tế, Trường Quân chính, các đoàn thể, Công binh xưởng, nhà in, Ty Thông tin, đài thu phát vô tuyến điện, Trại giáo hóa cải tạo,... vẫn đóng ở đây.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, khu Đông Thành, rồi huyện Đông Thành (1949), huyện Đức Hòa Thành (1951), từ một vùng đất hoang vu trở thành trung tâm kháng chiến, thu hút cả đồng bào ở vùng địch tạm chiếm, góp phần vào thắng lợi chung.

Biểu hiện sáng tạo v xây dựng căn cứ cách mạng thời chống Mỹ

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), trước tình hình chế độ Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp các giáo phái thân Pháp như Bình Xuyên, Cao Đài,... và tăng cường khủng bố lực lượng cách mạng miền Nam, những người kháng chiến cũ, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương "điều lắng". Bình Thành với vị trí gần và có mối quan hệ khăng khít với Sài Gòn, tiếp giáp giữa miền Tây và Đông Nam Bộ, vừa có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu vùng rừng già Đông Nam bộ, vừa là nơi trú đóng, vừa có thể đưa lực lượng chính trị, vũ trang thọc sâu vào sào huyệt của địch khi có thời cơ; mặt khác, người dân nơi đây vốn có truyền thống cách mạng của vùng đất căn cứ từ những năm 1940, nên từ năm 1955, một số cán bộ, đảng viên của Tân An, Chợ Lớn lên vùng biên giới "Mỏ Vẹt" sống bất hợp pháp theo từng nhóm. Đến khi Tỉnh ủy có chủ trương đưa cán bộ lên biên giới vào cuối 1956 thì Bình Thành là 1 trong 2 nơi tập trung cán bộ cốt cán của các tỉnh.

Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn, do đồng chí Huỳnh Châu Sổ làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần) làm Phó Bí thư. Với tư duy sáng tạo, sự hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên, con người, về tương quan lực lượng giữa ta - địch và với kinh nghiệm về xây dựng căn cứ kháng chiến ở đây, Tỉnh ủy Long An xây dựng Bình Thành - Đức Huệ thành căn cứ Tỉnh ủy với các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, Quân sự (do đồng chí Huỳnh Công Thân phụ trách), Tuyên huấn đảm nhận công tác thông tin, báo chí, binh vận, hậu cần, quân y,... Các cơ quan có lúc đóng trong nhà dân, có lúc cất chòi tranh ở trong vùng trấp, sậy,... Ở căn cứ còn có một hệ thống kinh đào giao thông - vận tải làm nhiệm vụ hành lang chiến lược nối liền Đồng Tháp Mười với miền Đông Nam Bộ.

Càng về sau, các ngành: Hậu cần, Quân y, Quân trang, Quân giới, Văn hóa, Giáo dục trong khu căn cứ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Người dân trở về càng nhiều, tham gia sản xuất, đấu tranh, xây dựng căn cứ, xây dựng làng xã chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, dân công,...

Từ năm 1965 đến 1975, hàng trăm ngàn dân công được huy động đào tuyến kênh dọc biên giới dài 25km làm chướng ngại bảo vệ căn cứ, vận chuyển vũ khí từ biên giới về phía Nam của tỉnh. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, hàng trăm lượt người dân vùng căn cứ đi dân công vận chuyển vũ khí và các phương tiện khác từ Ba Thu vào vùng ven Sài Gòn phục vụ chiến dịch.

Địch bắt đầu đánh phá ác liệt, nhất là từ cuối năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường miền Nam với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng ta linh hoạt né tránh, thay đổi địa điểm trú đóng, bám dân, bám đất, tiếp tục mở rộng vùng căn cứ đến các xã: Bình Hòa Nam, Thạnh Lợi, ven sông Vàm Cỏ Đông, phát triển phong trào quần chúng đến các huyện, xã trong tỉnh.

Không thể xác tích nhưng chỉ trên diện tích 90ha khu vực căn cứ xưa, khi chiến tranh đi qua hơn 40 năm mà còn di tích của 51 hố bom, mỗi hố bom có đường kính 6-7m, sâu 2-3m cho thấy sự ác liệt như thế nào. Trong thời gian này, người dân ở Khu Hội đồng Sầm (xã Bình Hòa Bắc) phải đào địa đạo để bám trụ căn cứ, ủng hộ cách mạng,... gọi là Xóm Công đoàn. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy trong việc cơ động, linh hoạt, sự đùm bọc, che chở và hy sinh của nhân dân, căn cứ Bình Thành đứng vững trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để có được điều đó, đồng thời, với sự hiểu biết sâu sắc về địa thế và con người nơi đây, Tỉnh ủy Long An giải quyết một cách hợp lý mối quan hệ tương hỗ giữa bám trụ vùng căn cứ và phong trào đấu tranh cách mạng trên toàn tỉnh. Đó là căn cứ lớn mạnh, mở rộng sẽ tác động tích cực đến phong trào cách mạng địa phương, ngược lại, khi ta phát động mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị - quân sự buộc địch phải tập trung đối phó, không thể rảnh tay để đánh phá căn cứ. Đó là sự kế thừa truyền thống và kinh nghiệm lịch sử quý báu, phát huy tư duy sáng tạo về xây dựng căn cứ địa trên vùng đồng bằng, bưng trấp và dựa vào dân.

Từ căn cứ này, Tỉnh ủy lãnh đạo, đề ra những chủ trương, biện pháp, đưa phong trào cách mạng trên toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của địch trong từng giai đoạn lịch sử, tiến tới thắng lợi hoàn toàn với những sự kiện, những dấu son, tên đất, tên người đi vào lịch sử./.

Nguyễn Tấn Quốc
(còn tiếp)

Kỳ 2: Bình Thành, những sự kiện đi vào lịch sử


07/09/2017 10:00 SAĐã ban hànhApproved
Nhà yêu nước Võ Công Tồn, người con ưu tú của quê hương Bến Lức Nhà yêu nước Võ Công Tồn, người con ưu tú của quê hương Bến Lức
Võ Công Tồn sinh năm 1891 tại làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông có tên khai sinh là Võ Văn Tồn. Cha mẹ ông là người hào hiệp, còn ông lại ưa chuộng công bằng chính trực nên ông được cha thay chữ lót ở họ tên, đổi thành Võ Công Tồn.

Gia đình ông Võ Công Tồn vốn có nguồn gốc từ Phan Thiết, đến đời ông nội của ông thì chuyển vào Nam định cư, khai phá vùng đất mới bên bờ sông Rạch Chanh (nay thuộc thành phố Tân An). Thân sinh của ông Võ Công Tồn là cụ ông Võ Văn Suốt và cụ bà Nguyễn Thị Hâm, mưu sinh bằng nghề hát bội, sau đó định cư, làm ruộng tại ấp Cá Trê (nay là ấp Lò Gạch) và xây dựng lò sản xuất gạch ngói. Nhờ lao động cần cù, việc kinh doanh của thân sinh ông Võ Công Tồn ngày càng phát đạt. Riêng cụ ông Võ Văn Suốt rất được nhân dân tín nhiệm, từng làm đến chức Hương cả. Cụ Cả Suốt còn dùng lẫm lúa của gia đình dạy chữ nho và quốc ngữ để mở mang trí tuệ cho con em trong vùng.

Sống và lớn lên trong một gia đình nề nếp, có truyền thống yêu nước, lại là người con duy nhất nên ông Võ Công Tồn rất được cha mẹ yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ kỹ lưỡng. Thuở nhỏ, ông học lớp nhất (Corus Supérieur) ở trường Bến Lức, sau đó học tiếp 6 năm trung học ởTrường nội trú Taberd (Sài Gòn). Vì là con duy nhất nên ông không học tiếp nữa mà trở về phụng dưỡng song thân và lập gia đình.

Là người yêu chuộng công bình, chính trực, Võ Công Tồn sớm nhận rõ nổi nhục mất nước, thân phận của đồng bào… nên ông đề xuất việc mở trường học, bên vực kẻ yếu và được tiếng “dân yêu quan ghét”. Ông thường được dân chúng cử tham gia chức việc trong làng, từ năm 1925 đến 1939, ông lần lượt giữ các chức Hương hào, Xã trưởng, Hương cả. Chính trong thời gian này, lợi dụng thế hoạt động công khai của mình ông đã hết lòng giúp đỡ cách mạng. Với tính tình bặt thiệp, chánh trực, lại hâm mộ thể thao, văn nghệ, thích giao du với nhiều người, ông kết thân với nhiều bạn bè, đồng chí có đạo đức, yêu nước, danh tiếng lan ra khắp Nam Kỳ.

Khi chí sĩ Nguyễn An Ninh về nước và tổ chức các cuộc diễn thuyết ở Vườn Lài về đạo đức, luân lý Đông, Tây; về tư tưởng văn hóa “dân ước, dân quyền, dân đạo”; ông bắt đầu nhận thức về hành động cứu nước theo con đường cách mạng tư sản dân quyền. Năm 1923, ông gia nhập “Thanh niên Cao vọng Đảng”, sau này là “Hội kín Nguyễn An Ninh. Ông cũng là một trong những mạnh thường quân ủng hộ tài chính cho Nguyễn An Ninh thành lập và duy trì hoạt động tờ báo La Cloche fêlée (Tiếng chuông rè). Đây là tờ báo tiến bộ công khai, lần đầu tiên đăng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ở Sài Gòn.

Năm 1926, ông cùng Trần Huy Liệu mở cuộc vận động đón tiếp Bùi Quang Chiêu từ Pháp về. Đồng thời, ông cũng tích cực quyên góp tiền, cổ động cho đám tang chí sĩ Phan Chu Trinh và là một trong 12 thành viên của Ban tổ chức tang lễ[1]. Vì việc này, ông bị ghi vào sổ bìa đen của chính quyền thực dân Pháp.. Vì việc này, ông bị ghi vào của chính quyền thực dân Pháp.

Năm 1927, ông tổ chức cho một số thanh niên Gò Đen sang Pháp du học như: Nguyễn Văn Tạo, Phạm Văn Phấn (Cù Là Phấn), Nguyễn Văn Bích, Lại Thành Hưng, Võ Công Phụng (con trai ông),… Đồng thời, ông cũng cổ động, ủng hộ tài chính, tổ chức thành lập chi nhánh “Hội Khuyến học Nam Kỳ” tại Gò Đen và 3 trường học ở Long Hiệp, Long Can, Long Định. Hội có một tủ sách đầy đủ của “Tự lực văn đoàn” và những quyển sách bị chính quyền thực dân cấm lưu hành bấy giờ như của Phan Bội ChâuPhan Chu TrinhNguyễn An Ninh. Hàng tháng, Hội tổ chức mời diễn giả từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến, diễn thuyết nhiều đề tài, thu hút được nhiều lớp người trong vùng đến nghe. Mục đích của Hội là tổ chức học tập, nâng cao dân trí, tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc cho quần chúng nhân dân. Cũng trong năm này, ông đemphần lớn tài sản của mình để mua một chiếc tàu của Mỹ về sửa chữa, đặt tên là “Đại phúc kinh”, để làm phương tiện vượt biển cho một số thanh niên Nam Bộ sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia các lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.

Cuối năm 1927, ông sang Pháp thăm con là Võ Công Phụng đồng thời quan sát tình hình chính trị ở nước ngoài. Tại đây, ông đã có những cuộc tiếp xúc với các chí sĩ yêu nước như Nguyễn Văn TạoPhan Văn TrườngNguyễn Văn TrânNguyễn Thế TruyềnNguyễn An Ninh và một số kiều bào yêu nước khác. Chuyến đi này có sức ảnh hưởng rất lớn trong việc chuyển hướng tư tưởng yêu nước của ông theo con đường Chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Chính quyền Pháp rất lo ngại những cuộc tiếp xúc này, nên sau khi về nước, ông đã bị chính quyền thực dân Pháptạm giam tại Sài Gòn 25 ngày, nhưng do không có chứng cứ buộc tội và được gia đình lo lót nên đã thả ông sau đó.

Cuối năm 1928, một số đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở Bắc Kỳ được bí mật phái vào Nam để gây dựng cơ sở và thành lập Kỳ bộ Việt Nam Quốc dân Đảng ở Sài Gòn. ĐượcNguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) vận động, ông tham gia quyên góp và trở thành đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kỳ, dự kiến sẽ là Trưởng ban tuyên truyền của Kỳ bộ.

22-10-2014 Toàn cảnh di tích nhà và Lò gạch Võ Công Tồn.jpg

 Toàn cảnh nhà cụ Võ Công Tồn, 

trước nhà là bia di tích lịch sử quốc gia  vườn - nhà Võ Công Tồn​

Tuy nhiên, đến năm 1929, thực dân Pháp truy quét giam cầm hàng loạt thành viên các tổ chức chính trị hoạt động bí mật chống chính quyền thực dân tại Nam Kỳ như Hội kín Nguyễn An Ninh,Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí HộiĐảng Tân ViệtViệt Nam Quốc dân Đảng,… Ông cũng bị bắt và bị đưa ra Tòa đại hình Sài Gòn xét xử cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo, Hà Thuận Hồng,… Ông bị kết án 5 năm tù[2] vì tội chứa chấp những thành phần “quốc sự”, tuy nhiên do lo lót tiền nên bản án của ông giảm xuống còn 18 tháng và bị đày đi Hà Tiên cùng lượt với Nguyễn An Ninh.

Sau khi ra tù, ông về quê củng cố lại hoạt động kinh doanh lò gạch. Bấy giờ, cơ sở sản xuất gạch ngói của ông có trên 300 công nhân, là cơ sở kinh doanh lớn, có ảnh hưởng lớn đồng thời càng  trở thành cơ sở, chổ dựa đáng tin cậy của Đảng và những người yêu nước. Vì vậy, địa danh  ấp Cá Trê dần bị thay bằng tên mới là ấp Lò Gạch.

Năm 1935, chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại lò gạch của ông Võ Công Tồn gồm 03 đồng chí: Nguyễn Văn Chác (ba Trương) – Bí thư, Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Văn Thành. Cũng trong năm này ông ra tranh cử và đắc cử chức Hội đồng địa hạt Chợ Lớn, vì vậy dân chúng còn gọi ông là Hội đồng Tồn. Với địa vị này, ông nhiều lần tìm cách tranh thủ thực hiện “tự do, dân chủ” cho dân chúng Nam Kỳ, ủng hộ Nguyễn An Ninh đăng đàn diễn thuyết về “Quyết định lấy công nông làm nền tảng nhưng có thể bao gồm cả giai cấp tư sản nhằm giành quyền tự quyết dân tộc”và chủ trương “Tiến tới một cuộc đại hội Đông Dương”.

Từ năm 1936-1939, ông nhiều lần ủng hộ vật chất cho Đảng cộng sản hoạt động và là người hoạt động rất tích cực trong Ủy ban Lâm thời Đông dương đại hội. Ông còn là Phó Chủ tịch  Hội cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ. Ông được đề cử là một thành viên trong Chính phủ khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thắng lợi. Mặc dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng ông luôn suy nghĩ và hoạt động như một người cộng sản.[3]

Tháng 9 năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ ở Châu Âu. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp liền tuyên bố thiết quân luật, ráo riết truy lùng, bắt bớ và sát hại các nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng ngăn ngừa nhân dân Việt vùng lên tự giải phóng mình. Nguyễn An Ninh bị bắt ở ấp Lò Gạch. Một tuần sau, Võ Công Tồn cũng bị bắt về tội chứa chấp Nguyễn An Ninh. Ông bị giam tại Tà Lài cùng với Dương Quang ĐôngTrần Văn GiàuTrần Huy Liệu,Nguyễn Văn TạoDương Bạch MaiNguyễn Văn NguyễnTô Ký,…

Ngày 16 tháng 4 năm 1940, Tòa tiểu hình Sài Gòn tuyên án gần 100 người, trong đó Võ Công Tồn chịu án 4 năm tù, 10 năm biệt xứ, đày ra Côn Đảo. Ông bị giam ở Banh II, là nơi giành riêng cho các chính trị phạm được liệt vào "nguy hiểm nhất" cùng với Nguyễn An NinhTạ Thu ThâuPhan Khắc SửuTrần Ngọc Danh,… Do điều kiện lao tù khắc nghiệt, sức kiệt, ông qua đời tại Nhà tù Côn Đảo ngày 16 tháng 6 năm 1942.

Võ Công Tồn là một điền chủ, tư sản, có học thức và tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng. Ông đã hoạt động tích cực cùng nhiều đồng chí gây dựng cơ sở cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai. Nói về Võ Công Tồn, Giáo sư Trần Văn Giàu phát biểu: “Võ Công Tồn cùng với Nguyễn An Ninh là hình ảnh của “núi Hai Vì” hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX”[4]. Do những đóng góp của mình, ngày 4 tháng 6 năm 1986, ông được Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Tên ông được đặt cho một con đường tại tỉnh lỵ Long An (theo quyết định số 2554/QĐ-UB ngày 18/10/1997 của UBND tỉnh Long An). Một số đường phố và trường học tại Long An cũng được mang tên ông. Khu nhà và lò gạch của gia đình ông được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định 02/2004/QĐ-BVHTT ngày 19 tháng 1 năm 2004.

Xin trích điếu văn của Giáo sư Trần Văn Giàu viết về ông để kết thúc bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của một trí thức yêu nước, người con ưu tú của quê hương Bến Lức anh hùng, nơi không chỉ sản sinh ra nhà yêu nước Võ Công Tồn mà cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều nhân vật lịch sử khác như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Tạo, Mai Thị Non… những người con làm rạng danh cho quê hương, tổ quốc.

Một nắm xương tàn chôn ở Hàng Dương

Hai trăm mẫu ruộng vườn,

hai trại cưa, ba lò gạch

Tất cả tiền của sẵn sàng góp vào sự nghiệp dân tộc

Ngồi tù Khám Lớn

bị đày đi Hà Tiên, Tà Lài, Côn Đảo

Tất cả cuộc đời

tận tụy hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam độc lập tự do./.

 

Bài: Hồ Phan Mộng Tuyền

(theo Lý lịch di tích Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn)

Ảnh: Văn Ngọc Bích


22/10/2014 3:00 CHĐã ban hànhApproved
THỊ TRẤN BÌNH PHONG THẠNH, HUYỆN MỘC HÓA TỔ CHỨC  LỄ PHÁT ĐỘNG XÂY DỰNG THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH THỊ TRẤN BÌNH PHONG THẠNH, HUYỆN MỘC HÓA TỔ CHỨC  LỄ PHÁT ĐỘNG XÂY DỰNG THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

Sáng ngày 20/7/2022, UBND thị trấn Bình Phong Thạnh long trọng tổ chức Lễ phát động xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Quan tâm đến tham dự lễ có ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể huyện, thị trấn và đại diện hơn 200 người dân.

20-7-2022 Ông Lê Quốc Thi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Phong Thạnh.jpg 

Ông Lê Quốc Thi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Phong Thạnh
phát động xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Tại buổi lễ, ông Lê Quốc Thi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Bình Phong Thạnh đã báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, nội dung theo Quyết định 04/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Đến thời điểm hiện tại, thị trấn Bình Phong Thạnh đã đạt được 33/52 nội dung tiêu chí. Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thị trấn đã đề ra nhiều giải pháp, phương hướng cho từng năm để hoàn thành các nội dung tiêu chí chưa đạt được, giữ vững và nâng cao các nội dung tiêu chí đã đánh giá đạt; định hướng đến năm 2025, thị trấn sẽ được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

20-7-2022 Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.jpg 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ phát động

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao kết quả đạt được của thị trấn Bình Phong Thạnh trong thời gian qua và chỉ đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân thị trấn Bình Phong Thạnh thực hiện các công việc trọng tâm trong thời gian tới:  

1. Giữ vững, nâng chất các nội dung tiêu chí đã đạt được; các tiêu chí chưa đạt cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo mục tiêu và thời gian của kế hoạch.

2. Xác định những nội dung trọng tâm, những chỉ tiêu cụ thể để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng các danh hiệu. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng vào mục đích kinh doanh riêng.

4. Tăng cường công tác thông tin và tuyên truyền trên các trạm truyền thanh và các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép công tác xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh vào hoạt động của đơn vị nhằm đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, công chức không chuyên trách và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia.

5. Xây dựng kế hoạch, thực hiện nâng cao chất lượng các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu phố văn hóa"; triển khai thực hiện nếp sống đô thị văn minh với sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, giữ gìn vệ sinh môi trường; phấn đấu 100% hộ gia đình sử dụng điện, phương tiện nghe, nhìn; bảo đảm nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị, không cố nhà tạm dột nát.

6. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phổ biến đến khu dân cư, hộ gia đình về Luật Giao thông đường bộ, Luật Quảng cáo… Triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng mối quan hệ cộng đồng dân cư thân thiện, giao tiếp phải văn hóa và văn minh nơi công cộng.

7. Xây dựng cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng nguồn nước hiệu quả; thực hiện đồng bộ về trồng cây xanh, chiếu sáng, hệ thống thoát nước, rác thải và đảm bảo không lấn chiếm lòng đường, hè phố.

8. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững trong mọi tình huống, không để có điểm nóng về tình hình an ninh trật tự. Thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở, không xảy ra tình trạng người dân tổ chức khiếu kiện tập thể, trái pháp luật.

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trên, Đảng ủy, UBND thị trấn Bình Phong Thạnh đã tiếp thu, ghi nhận và UBMTTQ thị trấn đã ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng thực hiện các nội dung tiêu chí quyết tâm xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2025./.                                                      

Phòng VH và TT Mộc Hóa


21/07/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
TRUNG TÂM VĂN HÓA, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THANH HUYỆN TÂN HƯNG TỔ CHỨC TẬP HUẤN VỀ KỸ NĂNG TỔ CHỨC, VIẾT KỊCH BẢN VÀ DẪN CHƯƠNG TRÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG, SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ, VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG NĂM 2023TRUNG TÂM VĂN HÓA, THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THANH HUYỆN TÂN HƯNG TỔ CHỨC TẬP HUẤN VỀ KỸ NĂNG TỔ CHỨC, VIẾT KỊCH BẢN VÀ DẪN CHƯƠNG TRÌNH CÁC HOẠT ĐỘNG, SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ, VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG NĂM 2023

Ngày 26/9/2023, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Hưng tổ chức khai giảng lớp tập huấn về kỹ năng tổ chức, viết kịch bản và dẫn chương trình các hoạt động, sự kiện, hội nghị, văn nghệ quần chúng năm 2023. Đến dự lễ khai giảng có ông Phan Hòa Nông – PCT UBND huyện; ông Trần Thanh Minh – Trưởng phòng VH và TT huyện.

Lớp tập huấn có sự tham gia của 75 học viên là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan huyện. Viên chức, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và truyền thanh huyện. Công chức Văn phòng thống kê, nhân viên Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ,  Bí thư hoặc Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Công chức văn hóa - xã hội, nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng, giáo viên ở các trường học trên địa bàn các xã, thị trấn.

Lớp tập huấn về kỹ năng tổ chức, viết kịch bản và dẫn chương trình các hoạt động, sự kiện, hội nghị, văn nghệ quần chúng năm 2023 nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản kỹ năng tổ chức, viết kịch bản và dẫn chương trình các hoạt động sự kiện về văn hóa - xã hội, chính trị như: Quy trình, phương pháp, kỹ năng, kịch bản tổ chức và dẫn chương trình các sự kiện, đại hội, hội nghị, văn nghệ quần chúng ...

 GiangVienHuongDanVietKichBan.jpg

Giảng viên đang hướng dẫn kỹ năng tổ chức, viết kịch bản và dẫn chương trình

Lớp tập huấn diễn ra trong 04 ngày, từ ngày 26/9 đến 29/9/2023. Thông qua lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức, viết kịch bản và dẫn chương trình các hoạt động sự kiện về văn hóa - xã hội, chính trị cho đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể, trường học và cán bộ làm công tác phong trào văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương và góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực phục vụ trong các chương trình hội nghị, Đại hội, hoạt động văn hóa, xã hội và các chương trình nghệ thuật trong toàn huyện./.

                                              Thu Vân


06/10/2023 8:00 CHĐã ban hànhApproved
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn GiàuDi tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu

 

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tọa lạc tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là nơi lưu niệm nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc Trần Văn Giàu - người cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng.

Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911 (Theo công văn số 167-CV/TU ngày 12/8/2011 của Thành ủy TP.HCM, giáo sư sinh ngày 11/9/1911, ngày sinh của giáo sư Trần Văn Giàu trong sơ yếu lý lịch đảng viên (khai ngày 21/11/1974) và phiếu kê (ngày 21/11/1997) để tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng là ngày 11/9/1911.) trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Thuở nhỏ ông học ở Tân An, Sài Gòn rồi du học tại Đại học Toulouse (Pháp). Ông gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương, du học Đại học Đông Phương ở Matxcơva(Liên Xô), bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà lao Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài. Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư xứ Ủy Nam Kỳ. Năm 1945, ông lãnh đạo cuộc tổng nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Năm 1949, ông giữ chức Tổng giám đốc Nha Thông tin…Cùng những cống hiến lớn lao cho nền giáo dục nước nhà trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học, Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư trong lớp Giáo sư đầu tiên của nước nhà. Ông mất ngày 16 tháng 12 năm 2010 nhằm ngày 11 tháng 11 năm Canh Dần, hưởng thọ 100 tuổi.

Với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 7814m2, Khu lưu niệm còn lưu giữ được hai công trình gắn liền với giáo sư Trần Văn Giàu, đó là nhà thờ họ Trần và khu mộ của Giáo sư cùng gia đình.

NHÀ THỜ

Nằm trong khuôn viên vườn thanh long rộng khoảng 6.000 m2, ngôi nhà thờ họ Trần được chính Giáo sư xây dựng dựng năm 1995 với diện tích 52,5m2 ( dài 7,5m,  ngang 7m) theo kiểu một gian rộng (một gian hai chái).

       

 Nhà thờ họ Trần

 Song thân cố GS Trần Văn Giàu

 Gian thờ GS Trần Văn Giàu

Ngôi nhà thờ họ Trần hiện nay được xây dựng chính tại nền ngôi nhà xưa do cha mẹ Giáo sư Trần Văn Giàu xây cất. Theo lời kể của người cháu đời thứ 12 - Trần Văn Khoa, lúc nhỏ thường được ông nội là ông Trần Văn Nuôi - anh ruột của Giáo sư Trần Văn Giàu kể lại: ngôi nhà xưa được cất theo kiểu một căn hai chái bát dần, nhà rộng, mái lợp ngói vảy cá. Hệ thống cột được làm bằng gỗ căm xe, các vì, kèo, rui, mè làm bằng gỗ dầu. Phần trang trí, chạm khắc trong nhà được làm rất công phu, nội thất trưng bày phần lớn được làm từ các loại gỗ tốt và một phần hiện vật trong ngôi nhà xưa hiện vẫn được lưu giữ cho đến hiện nay. Vật liệu xây dựng ngôi nhà thờ hiện nay một phần được tận dụng từ chính ngôi nhà ngôi nhà thuở bé Giáo sư Trần Văn Giàu từng sống.

Ngôi nhà được xây dựng bằng chất liệu hiện đại, sơn màu xanh ngọc, cao khoảng 5m, mái lợp ngói tây. Nền nhà cao 70cm, lát gạch men màu xám trắng, trước nhà có một khoảng sân khá rộng. Cửa chính được làm bằng gỗ căm xe, kiểu cửa 4 cánh đơn giản, hai bên là hai cửa sổ với cùng kiểu dáng và chất liệu. Phía trên cùng là tấm biển với nội dung: “NHÀ THỜ HỌ TRẦN - ÔNG TRẦN VĂN GIÀU LẬP NĂM 1995”.

Bên trong ngôi nhà được thiết kế khá đặc biệt. Đó là một phần ở gian trung tâm được thiết kế có độ lùi về sau khoảng 0,75m, chiều ngang 3m, cao khoảng 1,7m, nền cao 0,3m. Không gian phần lùi dùng để đặt tủ thờ tạo nên một không gian riêng biệt, trang nghiêm, tôn kính. Tủ thờ được làm theo kiểu tủ Gò Công do ông Trần Văn Chơi (thân sinh ông Trần Văn Giàu) mua cùng thời điểm xây dựng ngôi nhà xưa. Tủ làm bằng gỗ giáng hương, màu nâu đỏ. Các họa tiết trang trí tương đối đơn giản nhưng sắc sảo, đường nét thanh thoát.

Phía trên tủ thờ, trên tường là bức họa song thân của Giáo sư, ông Trần Văn Chơi và bà Nguyễn Thị Phụng. Dù những đường nét đã nhuốm màu thời gian nhưng người xem vẫn nhận ra ông cụ mặc một chiếc áo dài đen, đầu đội khăn đóng đen. Mẹ của Giáo sư Trần Văn Giàu mặc chiếc áo dài đen, rộng, cổ tròn thấp, gương mặc đẹp phúc hậu, tóc búi theo kiểu truyền thống của người phụ nữ Nam Bộ. Bức họa phần nào giúp người xem nhận ra những nét đặc trưng trong trang phục người dân  miền Nam cuối thế kỷ XIX.

Giữa tủ thờ bày trí một lư hương và một lư trầm. Hai bên là hai chân đèn gỗ, ngoài ra còn có đĩa trái cây đặt trên chò gỗ và lục bình được bố trí theo qui tắc dân gian “Đông bình Tây quả”.

Hai bên tủ thờ là cặp liễn đối cẩn xà cừ, được làm bằng gỗ mun, kích thước: 250cm x 25cm. Trên liễn cẩn câu đối bằng chữ Hán cùng họa tiết mai, lan, cúc và đôi chim nhỏ. Tuy nhiên, với niên đại từ đầu thế kỷ XX nên cặp liễn đối không còn nguyên vẹn, vết tích của thời gian và sự tàn phá của các loại mối mọt ít nhiều ảnh hưởng đến hiện vật này.

Phía trước tủ thờ là ghế nghi bằng gỗ mun. Đối diện với ghế nghi, ở vị trí giữa nhà là bàn dài. Bên trái gian trung tâm là nơi thờ Giáo sư Trần Văn Giàu, rất trang nghiêm nhưng cũng thật giản dị, mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi mà tôn nghiêm. Tại đây đặt một bàn thờ và một bàn độc. Trên bàn thờ đặt di ảnh Giáo sư Trần Văn Giàu cùng lư hương, hai chân đèn, chò, đĩa trái cây và bình bông. Một nét khá đặc biệt là các đồ vật trên bàn thờ Giáo sư hầu hết đều được làm bằng gỗ mun, trừ chiếc bình bông bằng gốm. Riêng chiếc chò được cẩn xà cừ với các hoạ tiết hoa văn rất đẹp mắt.

Phía sau bàn thờ là bàn độc, trên đó bày trí một hộp kính nhỏ, bên trong những hiện vật đặc biệt có giá trị, là sự ghi nhận của Đảng và nhà nước đối với công lao, tâm huyết và đóng góp của Giáo sư dành cho đất nước. Đó chính là những huân, huy chương được treo trang trọng trên nền vải nhung đỏ thắm, bao gồm: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương lao động hạng nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng; Huy hiệu anh hùng lao động; Huy hiệu vì sự nghiệp giáo dục.

Sau cùng, trên tường treo tấm ảnh phóng to của Giáo sư cùng người vợ yêu quí. Bên dưới là khung hình con tem phóng lớn do Bộ thông tin truyền thông phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Giàu.

Bên phải gian trung tâm nhà thờ đặt một chiếc bàn tròn và ghế đi kèm. Dọc hai bên tường treo các vòng hoa do các đồng chí đại diện tổ chức Đảng và Chính phủ kính viếng.

Ngoài những hiện vật vừa nêu hiện khu di tích vẫn còn lưu giữ những đồ vật mà gia đình và Giáo sư đã từng sử dụng như tủ búp phê, tủ đồ cưới, tủ thuốc và nhiều hiện vật bằng gốm.

Nhìn chung, ngôi nhà thờ họ Trần được xây dựng và bày trí đơn giản nhưng rất ấm cúng và trang nghiêm. Bên cạnh nhà thờ là ngôi nhà của ông Trần Văn Khoa, cháu gọi Giáo sư bằng ông chú - người được thừa kế phần đất vườn, cũng chính là người trông nom, chăm sóc nhà thờ họ Trần và khu mộ.

KHU MỘ CỦA GIÁO SƯ CÙNG GIA TỘC

Khu mộ của Giáo sư Trần Văn Giàu và gia tộc được thực hiện theo Quyết định số 272/QĐ - SVHTTDL Long An ngày 18 tháng 4 năm 2011 về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công .

         

 Mộ GS Trần văn Giàu và vợ

 Toàn cảnh khu mộ và nhà thờ họ Trần

Khu mộ có diện tích: 208m2 (13m x 16m), theo dạng hình chữ nhật, bao quanh là vườn thanh long xanh mát. Khu mộ gồm 06 ngôi mộ, nằm xoay về hướng Bắc được thiết kế cùng kiểu dáng, chất liệu, màu sắc tạo nên một tổng thể hài hòa, tinh tế.

Lối vào khu mộ khá rộng, được tráng xi-măng thẳng tắp. Mặt bằng bố trí theo trình tự từ ngoài vào là mộ Giáo sư Trần Văn Giàu và bà Đỗ Thị Đạo (kích thước 3,34m x 2,73m);  Mộ ông Trần Văn Nuôi - người anh ruột thứ 5 của Giáo sư; Mộ ba và mẹ Giáo sư Trần Văn Giàu; cuối cùng là mộ ông Trần Văn Bái - cháu ruột Giáo sư.

Mộ của Giáo sư Trần Văn Giàu và vợ - bà Đỗ Thị Đạo nằm ở vị trí đầu tiên từ ngoài vào, thân mộ có dạng hình chữ nhật, ốp đá granite đen Ấn Độ, chân mộ ốp đá granite màu xám ngà.

Mặt đứng chính mộ Giáo sư Trần Văn Giàu và bà Đỗ Thị Đạo có kích thước 2,78m x 1,96m, ốp đá granite đen Ấn Độ. Bia mộ được làm bằng đá trắng Na Uy hình chữ nhật, kích thước 50cm x 70cm, hai chữ “phần mộ” được đặt trang trọng bên trong cuốn thư, bên dưới là quốc huy nước Việt Nam cách điệu với hình bông lúa, bên trong là di ảnh của Giáo sư Trần Văn Giàu. Bên dưới ảnh khắc chữ với nội dung: “Giáo sư Trần Văn Giàu đời thứ 10 sinh ngày 11-9-1911 từ trần ngày 16-12-2010 nhằm ngày 11 tháng 11 năm Canh Dần hưởng thọ 100 tuổi”. Toàn bộ hình ảnh và chữ trên thân bia nằm trong khung viền có hoa văn hình học ở bốn góc, chữ và các họa tiết có màu đỏ nổi bật trên nền đá trắng.

Trước mỗi ngôi mộ đặt một lư hương bằng đá màu trắng - được thực hiện bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc đá ở Đà Nẵng - làng điêu khắc đá Non Nước nổi tiếng.

Các phần mộ còn lại của gia đình cố Giáo sư hầu như được thiết kế và xây dựng giống với phần mộ của Giáo sư Trần Văn Giàu.

Ngoài ra, bao bọc xung quanh khu mộ là các cây hoàng nam, mai chiếu thủy kết hợp với các loại cây xanh, sứ trắng, bông giấy, ắc ó… được tạo dáng và sắp đặt khéo léo tạo nên mảng cây xanh cho khu mộ.

Với thiết kế đơn giản nhưng tinh tế kết hợp với vật liệu xây dựng đẹp, quý hiếm và bền vững trong một không gian thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên nên mộ Giáo sư Trần Văn Giàu và vợ nói riêng, khu mộ của Giáo sư và gia đình nói chung mang một vẻ đẹp trang nghiêm, tôn kính nhưng vẫn thật bình dị, hài hoà với cuộc sống của người dân quê hương ông.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2012.

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu - địa điểm lưu niệm nhà cách mạng, nhà giáo nhân dân, nhà khoa học lỗi lạc - mà cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho hậu thế. Với những giá trị văn hóa, lịch sử quí báu Khu lưu niệm sẽ là nơi nghiên cứu, tham quan tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của một bậc hiền tài nói riêng, truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, nước nhà nói chung. Trong tương lai, với việc lập dự án quy hoạch và tôn tạo Khu lưu niệm gồm quần thể khu mộ của Giáo sư và gia tộc, nhà thờ, nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư cùng những hạng mục khác... Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng cho những chuyến về nguồn, tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử tỉnh nhà, góp phần không nhỏ vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Bài, ảnh: Hồ Phan Mộng Tuyền

17/10/2012 2:01 SAĐã ban hànhApproved
THÀNH PHỐ TÂN AN TỔ CHỨC HỘI THI GIỌNG HÁT HAY BOLERO  NĂM 2022 THÀNH PHỐ TÂN AN TỔ CHỨC HỘI THI GIỌNG HÁT HAY BOLERO  NĂM 2022

Nhằm chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022) và mừng Xuân Nhâm Dần, trong 2 ngày 20 - 21/01/2022, thành phố Tân An tổ chức Hội thi Giọng hát hay Bolero năm 2022.

25-1-2022 Hoi thi giong hat hay Bolero.jpg 

Hội thi năm nay thu hút 87 thí sinh tham gia dự thi ở thể loại đơn ca theo dòng nhạc Bolero, chia thành 2 bảng: Bảng A (từ 16 đến 45 tuổi) và bảng B (từ 46 tuổi trở lên). Với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam,… các thí sinh không chỉ khoe chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của mình mà các tiết mục biểu diễn còn được đầu tư dàn dựng công phu, nghiêm túc và chất lượng nghệ thuật.

Kết quả, giải nhất bảng A thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thắm, đơn vị Trường Tiểu học, THCS và THPT Hà Long; thí sinh Phạm Hữu Phước đoạt giải nhất bảng B. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 2 giải nhì, 2 giải ba và 14 giải khuyến khích cho các thí sinh.

Hội thi đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Đây là cơ hội để những người yêu thích dòng nhạc Bolero thể hiện năng khiếu ca hát, qua đó phát hiện những nhân tố mới có giọng ca hay, làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ ở địa phương, đơn vị./.

Phòng VH và TT Tân An


25/01/2022 3:00 CHĐã ban hànhApproved
ĐỨC HUỆ TỔ CHỨC HỘI THI TIẾNG HÁT CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG MỪNG ĐẢNG MỪNG XUÂN CANH TÝ NĂM 2020 ĐỨC HUỆ TỔ CHỨC HỘI THI TIẾNG HÁT CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG MỪNG ĐẢNG MỪNG XUÂN CANH TÝ NĂM 2020

Trong 2 ngày 12 và 13/01/2020, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Huệ phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Hội thi Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động mừng Đảng mừng Xuân Canh Tý năm 2020. Tham gia hội thi có 39 thí sinh là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đến từ 44 công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện.

Hội thi gồm 2 vòng sơ khảo và chung kết xếp hạng. Mỗi thí sinh trình bày 1 ca khúc với nội dung ca ngợi về Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; ca ngợi về biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

13-1-2020 Nguyễn Thị Thanh Nhàn -đơn vị trường THCS Hòa Thành.jpg

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Nhàn - đơn vị trường THCS Hòa Thành
trình bày ca khúc Xinh tươi Việt Nam

Ở vòng sơ khảo, Ban Tổ chức chọn ra 16 thí sinh xuất sắc nhất bước tiếp vào vòng chung kết xếp hạng để tranh tài. Với niềm đam mê ca hát nên hầu hết các thí sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi chọn bài hát phù hợp với chất giọng của mình. Ngoài giọng hát, các thí sinh còn thể hiện phong cách biểu diễn, trang phục, đầu tư dàn dựng tiết mục làm hội thi thêm phong phú và hấp dẫn, cuốn hút khán giả khi đến xem.

13-1-2020 Nguyễn Thị Tuyết Nhung – đơn vị MN Mỹ Bình.jpg

Thí sinh Nguyễn Thị Tuyết Nhung – đơn vị MN Mỹ Bình
trình bày ca khúc Về miền Tây

Kết quả, Ban Tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 11 giải khuyến khích. Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Nhàn - đơn vị Trường THCS Hòa Thành xuất sắc vượt qua 39 thí sinh giành giải nhất hội thi. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải duyên dáng cho thí sinh Nguyễn Thúy Vy – đơn vị xã Mỹ Thạnh Bắc.

13-1-2020 Sau 2 ngày thi diễn hội thi thành công tốt đẹp.jpg

Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh

Hội thi Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động lần này đã tạo không khí vui tươi, bổ ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện nhân dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý năm 2020. Đồng thời, đây còn là sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện để cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động có dịp được giao lưu, học hỏi, trau dồi năng khiếu ca hát, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện./.

Tiến Hữu

15/01/2020 4:00 CHĐã ban hànhApproved
THÀNH PHỐ TÂN AN KIỂM TRA TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG PHƯỜNG  ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH THÀNH PHỐ TÂN AN KIỂM TRA TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG PHƯỜNG  ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH

 Đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh thành phố Tân An do bà Mai Thị Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với đơn vị Phường 5.

24-8-2023 Bà Mai Thị Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tân An.png

Bà Mai Thị Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tân An
phát biểu tại buổi kiểm tra

Theo báo cáo, đơn vị Phường 5 đã tập trung tuyên truyền, phối kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể thành phố vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; hướng dẫn thực hiện chỉnh trang đô thị đúng theo quy định của thành phố và địa phương; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm sau khi đã cam kết, nhắc nhở. Phối hợp ra quân thực hiện các công trình chỉnh trang hạ tầng đô thị, xây dựng các tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường, tổ chức các lễ hội văn hóa, thể dục thể thao.

Hiện nay, Phường 5 vẫn đang còn nhiều tiêu chuẩn chưa đạt hoặc đạt thấp như tiêu chí xây dựng các tuyến đường văn minh đô thị; phân loại rác tại nguồn và đăng ký bỏ rác theo xe; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch; cụm loa truyền thanh thông minh; tỷ lệ hộ gia đình có thiết bị nghe nhìn thông minh, có thuê bao Internet băng rộng và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh… Qua rà soát đánh giá, đến nay, Phường 5 có 45/52 nội dung đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tại buổi làm việc, các ý kiến của đại diện các ban, ngành, đoàn thể thành phố Tân An phân tích tình hình, những nội dung đã thực hiện đạt, những nội dung còn hạn chế, cần phải tiếp tục nỗ lực để Phường 5 đạt chuẩn đô thị văn minh theo đúng lộ trình đã đề ra vào năm 2024. Đa số các ý kiến quan tâm nhiều đến mỹ quan đô thị, công tác chỉnh trang đô thị; công tác phân loại và thu gom rác tại nguồn; công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, nâng dần số hộ khá, giàu; các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục đảm bảo chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Mai Thị Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tân An nhấn mạnh không chạy theo thành tích, phải đánh giá đúng thực chất 9 tiêu chí với 52 nội dung để được công nhận đạt chuẩn phường đô thị văn minh. Đồng thời, bà Mai Thị Xuân Phương yêu cầu Ban Chỉ đạo Phường 5 phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc xác định trọng tâm, trọng điểm từng nội dung tiêu chí để đầu tư thực hiện đạt hiệu quả./.

Phòng VH và TT Tân An


24/08/2023 10:00 SAĐã ban hànhApproved
Khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Kỳ cuối: Từ lịch sử đến công trình văn hóaKhánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Kỳ cuối: Từ lịch sử đến công trình văn hóa

Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến (UBHCKC) Nam Bộ với ý nghĩa lịch sử trọng đại, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích quốc gia tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT, ngày 03/8/2007. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX xác định công trình trùng tu di tích này là 1 trong 9 công trình trọng điểm.

Tôn vinh giá trị tinh thần của cha ông 

Tôn vinh tinh thần yêu nước và cách mạng, những giá trị truyền thống của cha ông, ý tưởng bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của Di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ (1946-1949) được Tỉnh ủy hình thành và chủ trương từ Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh Long An.

Một góc Khu di tích Căn cứ XUUBHCKC Nam Bộ  1.jpg

Một góc khu Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ

Do ý nghĩa và tầm quan trọng có tính chất toàn vùng Nam Bộ của di tích, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công trình cần sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh trong khu vực. Theo đề nghị của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 06/6/2010, Ban Bí thư có ý kiến tại Công văn số 34-TB/TW, đồng ý xây dựng Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.

Ngày 26/4/2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 1305/QĐ-UBND, phê duyệt lộ trình và phương án đầu tư công trình trọng điểm này. Theo đó, năm 2011: Giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt. Năm 2012: San lấp mặt bằng, sân đường thoát nước, bãi xe, cổng, hàng rào, cấp điện, cấp nước, phòng cháy, chữa cháy,... Năm 2013-2015: Phục hồi các di tích gốc, xây dựng các bia lưu niệm, nhà truyền thống,...

Dự án do Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung lập quy hoạch kiến trúc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Long An thẩm định, lập quy hoạch chi tiết, hoàn chỉnh dự án, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3740/QĐ-UBND, ngày 25/10/2013, thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2013-2017).

Đó là một tổng thể với tổng diện tích sử dụng đất 2,9ha, gồm 25 hạng mục công trình, chia làm 3 nhóm: Nhóm hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan (đào kênh và hồ cảnh quan, san nền, điện chiếu sáng, kè bảo vệ, cây xanh, thảm cỏ, cầu cảnh, cầu bộ hành, cầu đi dạo, nhà khách - nhà hành chính, cổng - hàng rào, cầu bắc qua kênh Dương Văn Dương, nhà bia tôn vinh, sân lễ,...), nhóm hạng mục tái tạo căn cứ kháng chiến (nơi ở và làm việc của các đồng chí: Lê Duẩn, Trần Văn Trà, Phạm Văn Bạch, các cơ quan: UBHCKC Nam Bộ, Nhà in Nam Bộ, Phòng Bào chế y dược,..., khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én,...), nhóm hạng mục nhà truyền thống, trưng bày.

Nhóm hạng mục tái tạo căn cứ kháng chiến được xử lý theo hướng phục dựng, phục chế trung thực không gian sinh hoạt hài hòa trong cảnh quan chung của vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay, dự án cơ bản hoàn thành với 19/25 hạng mục.

Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ từ lịch sử với những điểm son đầy tự hào đến công trình văn hóa hôm nay là một chặng đường của tâm huyết, ý chí và nỗ lực của nhiều thế hệ cách mạng, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh trong việc tôn vinh giá trị truyền thống và tri ân các thế hệ đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Công trình không những góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân - dân tỉnh nhà mà còn là điểm tham quan, vui chơi, giải trí, góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn mới của huyện Tân Thạnh đang trên đà phát triển, cùng với các công trình văn hóa trọng điểm khác tạo nên bộ mặt văn hóa của tỉnh nhà, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thử góp thêm ý tưởng cho việc phác thảo hướng phát huy giá trị 

Mục tiêu của dự án Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ nhằm tôn vinh giá trị di sản tinh thần của cha ông, góp phần giáo dục truyền thống, phục vụ phát triển du lịch và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng Tháp Mười và tỉnh Long An.

Ngoài Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ, còn có các di tích "vệ tinh" của vùng căn cứ bưng biền được xây dựng, tôn tạo: Bia lưu niệm sự kiện ra đời Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, ngày 13/7/2006),

Bia chiến thắng trận Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường, 1993), Tượng đài Điện ảnh Khu 8 (thị xã Kiến Tường, 2010), Bia truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, 26/01/2016),... và nhiều di tích khác thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau. Cùng với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống, Về nguồn, trưng bày, triển lãm, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông,... trong những năm qua tác động tích cực, hiệu quả và lan tỏa cho mục tiêu này.

Vấn đề sắp tới là phải đổi mới phương pháp, nâng chất nội dung, hình thức các hoạt động trên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Và điều quan trọng là cách tiếp cận với công chúng trong điều kiện cạnh tranh thông tin là hãy chủ động đưa văn hóa, sản phẩm văn hóa đến với công chúng thay vì chờ công chúng đến với sản phẩm của chúng ta một cách thụ động như bấy lâu nay.

Dự án này được khánh thành trong bối cảnh Long An đang triển khai Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16/5/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ít nhiều gợi lên suy nghĩ cho chúng ta.

Dù chúng ta nhận thức rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để "du lịch là ngành kinh tế quan trọng" là cả một cuộc hành trình đòi hỏi có sự hỗ trợ và đi lên đồng bộ về KT-XH của địa phương,... đặt trong mối tương quan chung của khu vực và cả nước trong bối cảnh giao lưu, hội nhập. Nhưng người viết vẫn xin mạn phép bộc lộ một vài suy nghĩ với hướng tiếp cận: Di sản văn hóa từ tiềm năng du dịch trở thành sản phẩm du lịch, với mục đích tham khảo để cùng nhau góp thêm một "viên gạch" cho mục tiêu này.

Phát huy giá trị Di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ, chúng ta không tiếp cận khu di tích này một cách bó hẹp, cục bộ mà phải đặt nó trong không gian lịch sử - văn hóa vùng Đồng Tháp Mười (thậm chí, trong sự liên kết với các địa phương ngoài tỉnh có không gian văn hóa, sinh thái Đồng Tháp Mười như Đồng Tháp, Tiền Giang,...), là một điểm đến cùng kết nối với các địa điểm di tích khác nhằm làm đa dạng, phong phú nội dung lịch sử - văn hóa của một vùng đất đặc thù mà chúng ta cần quảng bá.

Hãy để các nhà chuyên môn về du lịch kết nối vào tour, tuyến nhưng tại sao không là gò Giồng Dung (xã Hậu Thạnh Tây) - chứng tích cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương; là Đồng 41 (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) mà còn đó nhân chứng sống Du Thị Đông với cánh tay bị cụt từ cuộc thảm sát của quân Mỹ và chư hầu Pắc Chung Hi (1967); hay địa điểm lưu niệm trận Mộc Hóa ngay sát chợ Kiến Tường ít nhiều có những đặc sản mùa nước nổi, trong một cự ly không xa với khu Núi Đất do chế độ Ngô Đình Diệm xây nên từ mồ hôi và cả xương máu của những người tù chính trị; trên đường lên Vĩnh Hưng là Di tích khảo cổ - tín ngưỡng tôn giáo chùa Nổi (xã Tuyên Bình), đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung) vừa để thăm vùng biên cương Tổ quốc với chứng tích hào hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam và còn nhiều di tích khác nữa.

Và tất nhiên, không thể bỏ qua các điểm nhấn mang sắc thái không gian sinh thái Đồng Tháp Mười, là Khu sinh thái Làng Nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận khu Ramsar và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười,...

Kết nối di tích với khai thác tính đặc trưng văn hóa vùng đất. Quá trình ứng xử, thích nghi của con người với môi trường thiên nhiên nơi đây tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng đất này, biểu hiện ở văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực mùa nước nổi, nghề truyền thống,...

Tại sao không thể lồng vào những chuyến đi thuyền trên sông nước, kênh, rạch giữa cánh rừng tràm, đồng sen,... những điệu hò Đồng Tháp ngọt ngào đầy tính tự sự được cất lên từ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tham quan; hay hình thành những góc không gian ẩm thực Đồng Tháp Mười với những món ăn được khai thác từ sản vật tự nhiên và đậm phong cách dân dã, phóng khoáng mang dấu ấn của thời khẩn hoang, vừa có tính tổng hợp, cộng đồng nhưng không kém phần tinh tế; hoặc những làng nghề truyền thống làm mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm đồng, mắm ruột, mắm cá chốt,... và các loại khô, nuôi ong tràm, nấu dầu tràm, đan đệm bàng,...

Phát triển du lịch gắn với kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu Bình Hiệp được công nhận là cửa khẩu quốc tế đánh thức sự phát triển kinh tế cửa khẩu kéo theo du lịch cửa khẩu. Kết nối vào tour, tuyến du lịch cửa khẩu mở ra cơ hội cho Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ và các di tích khác của Đồng Tháp Mười trở thành điểm đến.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử và biến thiên xã hội, từ một vùng đất hoang sơ rừng rậm và khắc nghiệt, dưới bàn tay khai mở, đấu tranh của các thế hệ cha ông, Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ kháng chiến bưng biền lừng danh trong hai thời kỳ cách mạng và nay là vựa lúa của cả nước, xung yếu về quốc phòng - an ninh; tôn vinh tinh thần yêu nước và cách mạng, giá trị di sản tinh thần của cha ông nay phải được đặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển chính là kế thừa và phát huy sức mạnh từ quá khứ để tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực cho mục tiêu phát triển bền vững./.

Nguyễn Tấn Quốc

01/09/2017 10:00 SAĐã ban hànhApproved
CẦN ĐƯỚC TỔ CHỨC HỘI THI VẼ TRANH CẤP HUYỆN-BẬC TIỂU HỌC NĂM HỌC 2023-2024CẦN ĐƯỚC TỔ CHỨC HỘI THI VẼ TRANH CẤP HUYỆN-BẬC TIỂU HỌC NĂM HỌC 2023-2024

Nhằm xây dựng "Trường học thân thiện – Học sinh tích cực", ngày 8/11/2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước phối hợp ngành Văn hóa và Thông tin tổ chức Hội thi vẽ tranh cấp huyện - Bậc Tiểu học năm học 2023-2024 với sự tham gia của 105 học sinh trên địa bàn huyện.

Với chủ đề "Xây dựng trường học thân thiện, bảo vệ môi trường sống của chúng ta, phòng chống dịch bệnh", các em thí sinh dự thi bốc thăm 01 trong 04 đề tài gồm học sinh tích cực xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn và có ý thức bảo vệ môi trường sống; thể hiện lối sống tiết kiệm, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái; phòng chống dịch bệnh được thể hiện qua các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch và đề tài các hoạt động khuyến học. Các em thi vẽ trực tiếp trên giấy trong thời gian 180 phút. Với kiến thức mỹ thuật được học trên lớp, cách phối hợp màu sắc đẹp, hài hòa cùng với tư duy sáng tạo phong phú, giàu cảm xúc, các em đã mang đến hội thi vẽ tranh năm nay nhiều tác phẩm chất lượng. Qua 105 tác phẩm dự thi, Ban giám khảo chọn ra các tác phẩm đẹp, có số điểm cao để trao giải nhất, nhì, ba và chọn 5 em học sinh dự thi Hội thi vẽ tranh cấp tỉnh.

Hội thi vẽ tranh cấp huyện - Bậc Tiểu học năm học 2023-2024 giúp phát hiện và bồi dưỡng kịp thời những học sinh có năng khiếu vẽ, khuyến khích việc dạy tốt-học tốt môn Mỹ thuật, kích thích khả năng sáng tạo, phát triển trí óc cho các em, đồng thời góp phần phát triển các hoạt động văn hóa trong trường học./.

HoThiVeTranh.jpg 

Quang cảnh triển khai quy chế thi

105_HocSinhThamGia.jpg 

Có 105 học sinh bậc Tiểu học tham gia hội thi

 Thí sinh đang tập trung.jpg

Thí sinh đang tập trung hoàn thành bài thi

CacEmVeTranh.jpg 

Các em được thỏa sức sáng tạo tranh vẽ của mình

 

Phòng VH&TT Cần Đước


13/11/2023 11:00 CHĐã ban hànhApproved
THỊ TRẤN ĐÔNG THÀNH KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH THEO LỘ TRÌNH ĐÃ ĐỀ RATHỊ TRẤN ĐÔNG THÀNH KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN ĐẠT CHUẨN ĐÔ THỊ VĂN MINH THEO LỘ TRÌNH ĐÃ ĐỀ RA

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) đã tập trung triển khai xây dựng thị trấn theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Đến nay, thị trấn đã đạt 41/52 nội dung tiêu chí theo Quyết định số 04 ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi phát động và tổ chức thực hiện xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, bên cạnh việc được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thị trấn luôn phát triển không ngừng. Trong đó, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" ngày càng đạt chất lượng và hiệu quả hơn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định.

TTDongThanh_DoThiVM.jpg 

Nhân dân thị trấn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động

Hàng năm, Đảng ủy thị trấn luôn quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Chương trình xây dựng thị trấn Đông Thành đạt chuẩn đô thị văn minh, đồng thời bổ sung thêm một số thành viên phù hợp với việc thực hiện xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; phân công cụ thể từng thành viên BCĐ phụ trách từng khu phố và từng tiêu chí. Qua quá trình triển khai thực hiện nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đã được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do chính quyền địa phương phát động và tham gia đóng góp về vật chất, công lao động, hiến đất làm đường… thực hiện tốt phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn về đô thị văn minh trên địa bàn thị trấn.

Ngoài ra, thị trấn tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các cuộc hội nghị, tiếp xúc cử tri; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; sinh họat các câu lạc bộ, các tổ chức đoàn thể nhằm làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân sinh sống trên địa bàn thị trấn hiểu rõ các nội dung các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh. Đặc biệt trong năm đã tuyên truyền trực quan 09 pano về nội dung xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg tại trụ sở UBND và các điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn thị trấn. Ngoài ra, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp chính quyền và sự tham gia của đông đảo Nhân dân. Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn TTĐT từng bước được cải thiện. Nhân dân có tinh thần tương thân, tương ái và tính cộng đồng cao, có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

MoHinhPhoKhongRac.jpg 

Nhân dân thị trấn chung tay thực hiện mô hình "Tuyến phố không rác" tại khu phố 2

Bên cạnh đó, Đảng ủy thị trấn chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể thị trấn xây dựng nhiều mô hình thiết thực để vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng như: mô hình "Đường thông - Hè thoáng", "Đường sạch - Cống đẹp", "Tuyến phố không rác", "Hố xử lý thuốc bảo vệ thực vật", "Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" và các buổi ra quân dọn dẹp lấn chiếm lề đường vĩa hè, phát hoang bụi rậm, trồng cây xanh tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, trục vớt lục bình trên sông… góp phần làm cho bộ mặt thị trấn ngày thêm khởi sắc.

Việc huy động vốn trong dân thực hiện các công trình, dự án trong thời gian qua luôn được thị trấn thực hiện có hiệu quả, người dân ý thức được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia hoặc hưởng lợi từ các công trình dự án. Qua đó, hệ thống giao thông đô thị không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng; điện chiếu sáng, cây xanh đô thị, thông tin liên lạc, hệ thống cấp thoát nước từng bước được đầu tư, nâng cấp. Mặc khác, việc quy hoạch sử dụng đất sản xuất theo từng khu vực bước đầu phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi. Cùng với quá trình đô thị hóa tăng nhanh, kinh tế của thị trấn có bước phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ lệ dịch vụ, công nghiệp, thương mại. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ, ngành nghề được mở rộng trên địa bàn; công ty, nhà máy, xí nghiệp, các loại hình cung cấp hàng hóa được doanh nghiệp đầu tư giúp cho người dân trên địa bàn có nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân từng bước ổn định.

Với quyết tâm trong phát triển văn hóa, xã hội, nhìn chung trong thời gian qua lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thị trấn ngày càng được đổi mới, diện mạo đô thị từng bước được xây dựng văn minh, hiện đại hơn trước; số hộ đạt gia đình văn hóa ngày càng tăng, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với dịch vụ công (Y tế, Giáo dục...), môi trường sống ngày càng được cải thiện; hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin, thể dục - thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện nâng lên.

PhoKhongRac.jpg 

Thị trấn treo băng rol, khẩu hiệu chào mừng lễ 30/4

Để xây dựng thị trấn Đông Thành đạt chuẩn đô thị văn minh theo lộ trình đã đề ra, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân thị trấn Đông Thành tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đô thị văn minh, nhằm thực hiện có hiệu quả các thiêu chí chưa đạt và duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt. Đồng thời, tập trung đầu tư, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng thị trấn phát triển theo hướng bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Tấn Hữu (TTVHTT&TT Đức Huệ)


14/11/2023 11:00 SAĐã ban hànhApproved
XÃ TÂN LẬP, HUYỆN MỘC HÓA ĐÓN NHẬN DANH HIỆU  XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI XÃ TÂN LẬP, HUYỆN MỘC HÓA ĐÓN NHẬN DANH HIỆU  XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI

Vừa qua, UBND xã Tân Lập long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đến dự có bà Nguyễn Thị Út Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mộc Hóa; ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa; ông Lâm Hòa Xứng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mộc Hóa; ông Trương Tiến Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện, xã và đại diện các hộ dân tiêu biểu của xã.

21-4-2022 Lãnh đạo huyện Mộc Hóa trao Quyết định công nhận xã đạt.jpg 

Lãnh đạo huyện Mộc Hóa trao Quyết định công nhận xã đạt
chuẩn văn hóa nông thôn mới cho xã Tân Lập

Để đạt danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp xã Tân Lập tích cực quan tâm đến đời sống, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế văn hóa, ổn định đời sống xã hội. Cụ thể, Cuộc vận động Ngày vì người nghèo được sự quan tâm của Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các tổ chức đoàn thể đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn qua các mô hình đa dạng, bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ vốn, vận động quỹ góp vốn xoay vòng; giúp nhau làm kinh tế gia đình trong đoàn viên, hội viên; tranh thủ sự hỗ trợ, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong 5 năm qua đã giải quyết cho 2.150 hộ vay với số tiền khoảng 150 tỷ đồng; vận động tặng 5.548 phần quà khoảng trên 2,5 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh nghèo, gia đình chính sách, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Vận động quỹ vì người nghèo đến nay được trên 850 triệu đồng; tổ chức xây tặng 13 căn nhà tình thương, 15 căn nhà đại đoàn kết. Tổng số hộ nghèo giảm theo từng năm, đến năm 2021 có 23 hộ nghèo (trong đó có 8 hộ bảo trợ), còn lại 15/1.371 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09%, đạt theo Nghị quyết Đảng ủy đề ra; có 7/7 ấp được công nhận và giữ vững danh hiệu ấp văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên; gia đình văn hóa 3 năm liền đạt đạt 89,7% (1.230/1371 hộ).

Ban Chỉ đạo xã đã tích cực vận động nhân dân và các mạnh thường quân trong và ngoài xã hiến đất, tiền, ngày công xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã như xây cầu, lộ giao thông, trường học, kéo đường ống nước sinh hoạt, trụ sở nhà văn hóa - khu thể thao và mua sắm các dụng cụ phục vụ hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng. Trong đó, hiến đất 36.000m2; sửa chữa làm đường giao thông nông thôn 34 km; sửa chữa 37 cây cầu và xây mới 17 cây cầu; trên 1.680 ngày công lao động.

 21-4-2022 Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu.jpg

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu
tại Lễ đón nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Sang đánh giá cao kết quả xây dựng xã Tân Lập đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo xã tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng xã văn hóa nông thôn mới; huy động mọi nguồn lực nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; chú trọng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân chung tay thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

21-4-2022 Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện trao tặng.jpg 

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện trao tặng
giấy khen cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng
xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới

Dịp này, UBND huyện Mộc Hóa tặng giấy khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân và 5 hộ gia đình; UBND xã Tân Lập tặng giấy khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong xây dựng xã Tân Lập đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới./.

Phòng VH và TT Mộc Hóa


21/04/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
Những nhạc sĩ tài danh của Long An trong làng tài tử và cải lươngNhững nhạc sĩ tài danh của Long An trong làng tài tử và cải lương

Kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam 12-8 (Âm lịch)

 

    Sau Nguyễn Quang Đại được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ngày 05-01-2009, các nhạc sĩ tài tử lừng danh của Long An như Nguyễn Thế Huyện (Tư Huyện), Huỳnh Văn Biểu (Hai Biểu), Trương Văn Tự (Ba Tu), Phạm Hữu Hinh (Mười Út), Nguyễn Văn Quế (Bảy Quế), Võ Văn Chuẩn (Tư Bền), Trà Văn Giai (Năm Giai) cũng được phong tặng danh hiệu này năm 2012. Chúng tôi đã có bài viết giới thiệu về các nhạc sĩ trên nhân Kỷ niệm ngày Giỗ tổ cải lương và sân khấu Việt Nam 12-8 năm 2012. Xin giới thiệu đến độc giả 03 nhạc sĩ tài tử vừa được công nhận Nghệ nhân dân gian năm 2013.
    Chính sự có mặt của Nguyễn Quang Đại đã tạo nên nhiều thế hệ tài năng của nhạc tài tử Nam Bộ, làm cho Long An trở thành một trong những chiếc nôi của nền âm nhạc cổ này, mà tên tuổi của họ được biết qua tài liệu và lưu truyền trong giới nhạc tài tử, cải lương, như: Chín Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem (ông ngoại cố nhạc sĩ Hai Biểu), Ba Đống, Mười Hai Duơn, Năm Quýnh..., rồi nối tiếp sau đó như Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm (cha vợ của nghệ sĩ Bảo Thanh, Trưởng đoàn Cải lương Long An vừa qua đời), Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa...

     Tiếc thay, do điều kiện khoa học kỹ thuật lúc bấy giờ, chúng ta nay không được thưởng thức tiếng đàn của nhiều bậc tài danh trong số đó. Dù vậy, những câu nói lưu truyền trong giới nhạc như:

      “Tiếng đồn Cần Đước xuân xanh

      Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò” ,

hay “Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”, ít nhiều phản ánh tài năng của họ. Cũng cần hiểu rằng, nhứt nhì ở đây không phải ai giỏi hơn ai về bộ môn đờn ca tài tử, mà nói về ca, sáng tác là Bạc Liêu, và về đờn thì là Cần Đước.

1. Nhạc sỹ Chín Láo (1903 - 1943):

    Ông tên thật là Nguyễn Văn Láo, sinh năm 1903 tại quận lỵ Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trong gia đình có truyền thống nhạc lễ, cha là nhạc sư Nguyễn Văn Viên (nhạc Viên), trưởng một trong 4 ban nhạc lễ nổi tiếng nhất ở miền Đông Nam Bộ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (nhạc Viên ở thị trấn Cần Đước, nhạc Hộ ở làng Mỹ Lệ, quận Cần Đước, nhạc Tho ở làng Phước Lâm, quận Cần Giuộc, nhạc Thời ở làng Hưng Long, quận Bình Chánh, tỉnh Chợ Lớn). Có năng khiếu âm nhạc đặc biệt và sinh ra trong điều kiện gia đình nhạc lễ chuyên nghiệp, ông sớm bộc lộ tài năng.

    Khi Nguyễn Quang Đại đến Cần Đước, ông là một trong những học trò thuộc thế hệ đầu tiên và về sau trở thành một trong số môn đệ xuất sắc nhất. Ban nhạc lễ Cần Đước do ông làm trưởng ban rất nổi tiếng, được khắp nơi mời phục vụ vào các dịp quan, hôn, tang, tế. Tòa thánh Cao đài Tây Ninh tổ chức đại lễ hằng năm đều bằng mọi giá phải mời cho được ban nhạc lễ của nghệ nhân Chín Láo, thậm chí trả tiền thù lao trước cả năm. Ông sử dụng thuần thục hầu hết các nhạc khí, cả bộ văn, bộ võ trong nhạc lễ, bộ dây và bộ hơi trong nhạc lễ cũng như trong nhạc tài tử Nam Bộ, tương truyền ít ai bì kịp.

    Ông mất năm 1943 giữa độ tài năng đang ở đỉnh cao, để lại nhiều tiếc nuối cho giới nghệ thuật tài tử và nhạc lễ khi mà tên tuổi ông đến nay vẫn còn vang dội và giới nhạc lễ nhạc tài tử dành sự kính nể mỗi khi nhắc đến. Nhiều học trò được ông truyền nghề về sau đều trở thành những nhạc sỹ tài tử nổi danh, như Tám Nhứt, Ba Lựa, Tư Tụi, Bảy Quế, Năm Giai, Út Hinh…

Nhạc sĩ Bảy Hàm (1909 - 1991)

Nhạc sĩ Năm Lung (1911-1984)

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976)

        2. Nhạc sĩ Bảy Hàm (1909 - 1991):

    Ông tên thật là Trương Văn Đệ, sinh năm 1909 tại làng Phước Lâm, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

    Vốn có năng khiếu và lòng đam mê nghệ thuật âm nhạc cổ truyền từ nhỏ và chịu ảnh hưởng của phong trào nhạc tài tử Cần Giuộc do ở cùng làng với gia đình nhạc sư Bảy Tho nổi tiếng có 04 người con là những nhạc sĩ tài hoa bấy giờ: Hai Phát, Tư Huyện, Năm Phú, Sáu Quí, lại được tiếp xúc giao lưu, học hỏi với nhiều nghệ nhân nhạc sư nổi tiếng trong vùng, nên năng khiếu nghệ thuật âm nhạc của ông được ươm mầm, phát triển, giúp nhạc sĩ Bảy Hàm sớm thành danh, rồi về Sài Gòn là nơi có điều kiện hoạt động nghệ thuật và nâng cao tay nghề. Ông sử dụng được nhiều loại nhạc khí cổ truyền Nam Bộ và sở trường là đờn kìm và đờn cò.

    Ở Sài Gòn, ông cộng tác sản xuất nhiều chương trình ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương tại ban nhạc Cửu Long, Đài Phát thanh Sài Gòn, các hãng đĩa ở Chợ Lớn và làm nhạc sư thỉnh giảng tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Thông qua hoạt động giao lưu và truyền dạy học trò (trong đó có nghệ sĩ Bảo Thanh, vừa là học trò, vừa là con rể, cố Trưởng đoàn Cải lương Long An), ông có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ.

    Ông là người cung cấp nhiều tư liệu giúp Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu và quảng bá rộng rãi bộ môn âm nhạc tài tử Nam Bộ.

        3. Nhạc sĩ Năm Lung (1911-1984):

    Ông tên thật là Nguyễn Thới Lung, sinh năm 1911, tại làng Tân Trạch, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

    Sống trong gia đình khá giả, lại có truyền thống yêu thích ca nhạc tài tử Nam Bộ, cô ruột là vợ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, lại có năng khiếu nghệ thuật, nên cha ông không ngại tốn kém, thường xuyên tổ chức chơi đờn ca tài tử và rước thầy đờn đến nhà dạy đờn cho ông. Suốt bốn năm theo học nhạc sỹ Sáu Thoàng (anh ruột nghệ nhân dân gian Chín Chiêu - học trò thế hệ đầu tiên của nhạc sư Nguyễn Quang Đại), nhờ say mê, chăm chỉ luyện tập, ông nắm vững kiến thức cơ bản, hệ thống bài bản và kỹ năng biểu diễn âm nhạc tài tử. Khi nổi danh, ông thường đi biểu diễn giao lưu ở nhiều nơi, nhất là các dịp lễ hội, giỗ chạp trong vùng Cần Đước, Cần Giuộc với các nghệ nhân nhạc sĩ tên tuổi như Bảy Quế, Năm Giai, Tư Huyện, Tư Bền, Út Hinh…Trong những năm chiến tranh, ông sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở Sài Gòn - Chợ Lớn, có trên 20 năm ông cộng tác với chương trình Quốc nhạc của Đài Phát thanh Pháp Á và dạy nhạc.

    Với 73 tuổi đời, gần 60 năm tuổi nghề, sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí, bài bản nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ, nổi tiếng với 2 nhạc khí kìm và cò, truyền dạy nhiều học trò thành Út Duyên, Bảy Hối, Út Triệu, Chín Tôn, Út Quới …, góp vào sự phát triển của bộ môn này ở địa phương, tài năng và đạo đức nghề nghiệp, ông được nhạc giới tài tử Nam Bộ kính nể và đánh giá ngang tầm với các nghệ nhân nhạc sĩ tên tuổi đương thời.

    Sẽ là phiến diện và cũng do khuôn khổ của một bài báo khi giới thiệu những nhạc sĩ tài danh kể trên và đóng góp của họ cho nền âm nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ. Bởi ở khu vực Thủ Thừa - Tân An - Châu Thành, bộ môn đờn ca tài tử cũng sớm hình thành. Không những thế, đây còn là quê hương của hai tác giả sách Cầm ca tân điệu - một sưu tập gần như đầy đủ các bài bản đờn và lời ca cổ, là Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) thu thập phần nhạc và Trần Phong Sắc (Tân An) sọan phần lời; của Ác-măng (Arment) Thiều (Tân Trụ) - người đầu tiên sử dụng nhạc khí ghi - ta vào cổ nhạc; của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) - tác giả của danh tác Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài vọng cổ ngày nay.

Nhạc sĩ Ba Tu (Trương Văn Tự), quê xã Tân Lân, huyện Cần Đước, một danh cầm đờn ca tài tử hiện nay

Kim Thanh (Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An) - một tài tử ca nhiều triển vọng của Long An

Thạc sĩ - Nhạc sĩ Huỳnh Khải, quê huyện Thủ Thừa, đang công tác tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, một danh cầm đờn ca tài tử hiện nay

    Đó là những bông hoa trong vườn hoa nghệ thuật nước nhà, bằng tài năng vượt ra khỏi địa phương qua họat động giao lưu liên tỉnh và thu đĩa ở Sài Gòn, đã góp phần truyền bá và phát triển bộ môn đờn ca tài tử ở Long An, tạo nên phong trào yêu thích nhạc ta khắp Nam Bộ trong lịch sử, mà còn làm nền móng cho thế hệ tài danh hôm nay, như: Huỳnh Khải, Tấn Khoa (Nguyễn Tấn Khoa), Út Bù (Nguyễn Văn Út), Hồ Ngọc Trinh, Văn Gàn, Thành Phê... và còn nhiều người khác nữa, tiếp tục phát huy, đóng góp vào gia sản dòng nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng đồ sộ, phong phú và lan tỏa, xứng đáng với vị trí của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nam Bộ xưa và nay.

    Hàng trăm năm qua, truyền thuyết ông tổ sân khấu vẫn còn in dấu vết trong sinh hoạt nghệ sĩ, gánh hát. Vì vậy, cứ đến ngày 12 tháng 8 Âm lịch, những người họat động trong một số loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối... đều long trọng tổ chức lễ giỗ tổ - kỷ niệm người khai sinh ra bộ môn sân khấu này. Trải qua bao tăng trầm, sân khấu đã có hàng trăm năm lịch sử tồn tại và sức lan tỏa hiếm thấy vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Từ ý nghĩa ấy, theo đề nghị của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo kết luận số 364-TB/TW ngày 30 tháng 7 năm 2010, năm 20111, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 13/QĐ-TTg, ngày 04/01/2011, lấy ngày 12 tháng 8 Âm lịch hằng năm là Ngày sâu khấu Việt Nam để vinh danh ngày giỗ tổ thành Ngày Sân khấu Việt Nam.

     Bài, ảnh: Nguyễn Tấn Quốc
  

16/10/2013 3:56 SAĐã ban hànhApproved
HỌC TẬP, TRẢI NGHIỆM VẼ TRANH TẠI BẢO TÀNG - THƯ VIỆN TỈNH HỌC TẬP, TRẢI NGHIỆM VẼ TRANH TẠI BẢO TÀNG - THƯ VIỆN TỈNH

Từ ngày 29-30/7/2022, lớp năng khiếu vẽ tranh của nhà Thiếu nhi tỉnh Long An đã đến tham quan, học tập, trải nghiệm vẽ tranh tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An.

 3-8-2022 hoc sinh tham quan trung bay.jpg

Các bé tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh

Lớp học có hơn 50 bạn, từ 5 đến 10 tuổi, chia thành 2 nhóm, lần lượt tham quan các phòng trưng bày tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh. Sau khi nghe thuyết minh và tham quan các không gian trưng bày về các nền văn hóa cổ (văn hóa tiền sử, văn hóa Óc Eo tại Long An), không gian trưng bày mỹ nghệ, Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các bạn nhỏ bắt đầu thực hành vẽ tranh theo đề tài tự chọn. Sau gần 3 tiếng thực hành, các em đã vẽ nên những bức tranh hồn nhiên, đa dạng màu sắc, trong đó có hình ảnh chú bộ đội thân thương gần gũi, hình ảnh của những chiếc xe tăng thời chống Mỹ, cùng những chiếc bình (ấm) kendy thời Óc Eo đầy sáng tạo… Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh là những đề tài thú vị để các em có thể thỏa lòng say mê sáng tạo nghệ thuật. Với các em đây là một hoạt động trải nghiệm thú vị và bổ ích.

3-8-2022 Hoc sinh ve tranh tu do.jpg 

Các bé vẽ tranh tự do

Học tập, trải nghiệm vẽ tranh tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh là một hoạt động trải nghiệm hè ý nghĩa cho các em học sinh. Thiết nghĩ, hoạt động này cần được duy trì và phát triển rộng rãi trong các trường học của tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời, giúp các em tự tin, tìm tòi khám phá, phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo trong các tác phẩm nghệ thuật của mình./.                                                                                             

Phan Thị Kim An


03/08/2022 9:00 SAĐã ban hànhApproved
ĐỨC HÒA: KIỂM TRA VIỆC TẠM DỪNG TỔ CHỨC  CÁC LOẠI HÌNH LỄ HỘI ĐỨC HÒA: KIỂM TRA VIỆC TẠM DỪNG TỔ CHỨC  CÁC LOẠI HÌNH LỄ HỘI

Vừa qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Hòa tổ chức kiểm tra việc dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn huyện. Theo đó, đoàn đã đến kiểm tra các cơ sở thờ tự được công nhận di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện như Đình Rừng Muỗi (xã Tân Mỹ), Chùa Linh Nguyên (xã Đức Hòa Hạ), Đình Mỹ Hạnh (xã Mỹ Hạnh Bắc), Đình Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa).

18-02-2022 Đoàn kiểm tra làm việc tại đình Rừng Muỗi.jpg 

Đoàn kiểm tra làm việc tại đình Rừng Mui

Đoàn đã kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các quy định tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội dịp Tết Nguyên đán; hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người không cần thiết theo Công văn số 270/UBND-VHXH ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh, Công văn 243/SVHTTDL-QLVHGĐ ngày 09/02/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại mỗi nơi kiểm tra, bà Chung Thị Đông Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện, Trưởng đoàn kiểm tra nhắc nhỡ các đơn vị cần chấp hành đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người; huyện kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm phục vụ nhân dân, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19.

18-02-2022 Các cơ sở được kiểm tra cơ bản chấp hành tốt các quy định.jpg 

Các cơ sở được kiểm tra cơ bản chấp hành tốt các quy định

Thông qua công tác kiểm tra đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân, thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân đón vui xuân trong trạng thái bình thường mới./.

Nhã Phương


18/02/2022 10:00 SAĐã ban hànhApproved
CHÂU THÀNH: KHÔNG TỔ CHỨC LỄ HỘI LÀM CHAY CHÂU THÀNH: KHÔNG TỔ CHỨC LỄ HỘI LÀM CHAY

Thực hiện Công văn số 243/SVHTTDL-QLVHGĐ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không tổ chức các hoạt động tập trung đông người không cần thiết và tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Ban Quản trị Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu) đã không tổ chức Lễ hội Làm chay để đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

18-02-2022 Người dân vẫn có thể đến thực hiện nghi lễ cúng viếng tại đình.jpg 

Người dân vẫn có thể đến thực hiện nghi lễ cúng viếng tại đình

             Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Lễ hội Làm chay ở thị trấn Tầm Vu không được tổ chức, người dân có tâm lý tiếc nuối nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên nêu cao ý thức chấp hành quy định. Không tổ chức các hoạt động phần hội nhưng phần nghi lễ vẫn được tổ chức, vì vậy người dân vẫn có thể đến cúng viếng, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, không tổ chức các hoạt động ăn uống và hoạt động kinh doanh ăn uống trong khu vực diễn ra tại đình. Ban Quản trị Đình Tân Xuân đã treo bảng thông báo hướng dẫn không tổ chức Lễ hội Làm chay; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện thông tin tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm dừng tổ chức lễ hội để người dân trong và ngoài huyện biết, đồng tình thực hiện./.

Hoàng Anh


18/02/2022 9:00 SAĐã ban hànhApproved
CẦN ĐƯỚC TỔ CHỨC TẬP HUẤN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC VĂN HOÁ VÀ THÔNG TIN NĂM 2023CẦN ĐƯỚC TỔ CHỨC TẬP HUẤN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC VĂN HOÁ VÀ THÔNG TIN NĂM 2023

Ngày 9/11/2023, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước phối hợp Trung tâm Chính trị huyện tổ chức hội nghị tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo năm 2023. Tham dự tập huấn có 176 đại biểu là thành viên Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa, Thông tin và Truyền thông của huyện, xã, thị trấn; các đại biểu là Trưởng ấp, khu phố trên địa bàn huyện.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe bà Trần Thị Đoan Quang, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung của Luật Du lịch năm 2017, các Nghị định có liên quan, chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch.

Bà Trần Thị Đoan QuangTrienKhai.jpg 

Bà Trần Thị Đoan Quang, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở VH,TT&DL

triển khai nội dung tập huấn

Cũng tại lớp tập huấn, các địa biểu cũng được nghe ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL triển khai Nghị định 38/2021/NĐ.CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định 129/2021/NĐ.CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan, văn hóa và quảng cáo; Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản có liên quan.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt TrienKhai.jpg

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL  triển khai nội dung tập huấn

 Thông qua lớp tập huấn, các học viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo để vận dụng vào thực tiễn, giúp cho công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch của các địa phương ngày càng hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật./.

 

                                                          Phòng VH&TT huyện Cần Đước


13/11/2023 11:00 CHĐã ban hànhApproved
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Đồng Nai diễn ra từ ngày 04/11/2017 đến 11/11/2017. Tham gia Cuộc thi có 73 thí sinh của 16 đơn vị nghệ thuật cải lương và 4 đơn vị nghệ thuật dân ca kịch. Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An có 04 thí sinh tham dự gồm: Huỳnh Văn Tánh vai Nam trong kịch bản "Kiếp tằm" của tác giả nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Quốc; Huỳnh Phượng Nhi vai Hiếu trong kịch bản "Một phút một thời" của tác giả NSƯT Hữu Lộc; Nguyễn Thị Thu Mỹ vai Kim Thông trong kịch bản "Cánh hạt chiều đông" của tác giả Chi Lăng; Phan Thị Hoàng Oanh vai Đắc Kỷ trong kịch bản "Khát vọng Đắc Kỷ" của tác giả NSƯT Triệu Trung Kiên.

22-11-2017 Huỳnh Văn Tánh thể hiện kịch bản Kiếp tầm.JPG

Thí sinh Huỳnh Văn Tánh thể hiện vai Nam trong kịch bản "Kiếp tằm"

22-11-2017 Ba thi sinh Long An dat giai trong Cuoc thi tai nang tre.JPG

Ba thí sinh Long An đạt giải trong Cuộc thi Tài năng trẻ

22-11-2017 Huỳnh Phượng Nhi nhận Bằng khen của Hội sân khấu Việt Nam.JPG

Thí sinh Huỳnh Phượng Nhi nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

22-11-2017 Huỳnh Văn Tánh nhận giải thưởng Huy chương bạc và.JPG

Thí sinh Huỳnh Văn Tánh và Nguyễn Thị Thu Mỹ nhận Huy chương bạc

Kết thúc hội thi Ban tổ chức đã trao 15 Huy chương vàng và 21 Huy chương bạc cho các thí sinh tham dự cuộc thi. Đơn vị Long An có 02 cá nhân đạt Huy chương bạc và 01 cá nhân nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam./.

        Tin: Trần Minh

     Ảnh: Huỳnh Văn Tánh

24/11/2017 4:00 CHĐã ban hànhApproved
GIỚI THIỆU SÁCH: ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC  (1838 – 1868) GIỚI THIỆU SÁCH: ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC  (1838 – 1868)

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, Thạnh Đức, Bến LứcLong An). Thuở nhỏ, ông còn có tên là Chơn. Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, thị trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thăng hoặc Trường) và mẹ là bà Lê Kim Hồng.

 AHDT Nguyễn Trung Trực.jpg

Khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo (ông nội của Nguyễn Văn Lịch) chạy giặc vào Nam, định cư tại thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên tại xóm nghề thôn Bình Nhựt, được học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Nguyễn Văn Lịch vốn là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ dù mới 20 tuổi nhưng có khí phách, đảm lược, uy tín... Ông được các nhóm dân dũng trong vùng tôn làm thủ lĩnh cùng nhau đánh giặc Pháp, cứu nước.

Ông tổ chức các nhóm lại thành đội ngũ kéo xuống Gò Công đầu quân với Phó Quản cơ Trương Định đang cai quản đồn điền Gia Thuận. Ông được Trương Định biên chế đội dân dũng của ông thành quân đồn điền và phong ông làm Chánh đội trưởng trực tiếp chỉ huy quân của mình. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Giặc triển khai lực lượng đánh chiếm Biên Hòa, Gò Công và Định Tường. Quan quân Gia Định rút về Biên Hòa, Trương Định rút về Gò Công, Phan Cư Chánh rút về Giao Loan... còn Nguyễn Văn Lịch rút về Tân An, với tư cách Chánh đội trưởng quân đồn điền, ông được Trương Định giao phụ trách vùng Tân An.

Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu và đặc biệtVới hai chiến công vang dội nhất: Trận đốt cháy và làm chìm tàu L'Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt được 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và làm chủ tình hình được 5 ngày liền. Trong sự nghiệp kháng thực dân Pháp của ông, có hai chiến công nổi bật, đã được danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt khen ngợi bằng hai câu thơ sau:

"Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"

            Ông còn nổi tiếng với câu nói được coi là chân lý, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm đến cùng của cả dân tộc Việt Nam: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". Cuộc đời và sự nghiệp của Ông rất thật và gần gũi nhưng đã trở thành huyền thoại đầy tự hào của người dân Nam Bộ.

Được sự gợi ý của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An biên soạn và xuất bản cuốn sách "Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)". Đây là một trong những cuốn sách của dự án Nam Bộ nhân vật chí nói chung nhằm giới thiệu cuộc đời, công lao của các nhân vật Nam Bộ trong quá trình xây dựng và phát triển của vùng đất miền Nam Việt Nam. Lịch sử hơn 300 năm mở đất của vùng đất Nam Bộ đã gắn liền mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ người Việt, những công dân Việt Nam ở mọi miền đất nước cũng như của các cộng đồng dân tộc anh em đã sinh sống tại nơi đây, tất cả cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, thiên nhiên và thú dữ, nhân dân đoàn kết chung lưng đấu cật cho sự màu mỡ của vùng dất phương Nam, góp phần vào cuộcđấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, non sông liền một dải như ngày xưa.

Cuốn sách "Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)" do Ths. Nguyễn Hữu Hiếu và Ths. Nguyễn Thành Thanh sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tiếp nhận và được sự chỉ đạo đầy tâm huyết của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ban Biên tập đã sửa chữa, đối chiếu tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau và hoàn thiện bản thảo ngắn ngọn, súc tích, khoa học, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên.

Trong cuốn sách "Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868)" dày 88 trang, xuất bản năm 2021 và khổ sách 13 x 19 cm được chia làm 2 chương:

  • Chương một: Quê hương, dòng họ và thời niên thiếu
  • Chương hai: Hai giai đoạn kháng chiến của Nguyễn Trung Trực

Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An xin trân trọng giới thiệu quyển sách cùng quý bạn đọc./.

Kèm theo file nội dung sách: Sach AHDT Nguyen Trung Truc.pdf

Phương Thái Dương


14/02/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
ĐỨC HÒA: TIÊU HỦY 32 MÁY GAME BẮN CÁ, BẮN THÚ ĐỨC HÒA: TIÊU HỦY 32 MÁY GAME BẮN CÁ, BẮN THÚ

Ngày 26/01/2022, Công an huyện Đức Hòa phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy 32 máy game bắn cá, bắn thú và máy game các loại. Trong đó, có 6 máy trò chơi điện tử game bắn cá, bắn thú; 9 máy bắn cá 8 tay cầm và 17 máy trò chơi điện tử game các loại.

26-01 DUC HOA TIEU HUY 32 MAY GAME BAN CA BAN THU 2.jpg 

Tiêu hủy máy game bắn cá

Toàn bộ số máy trên là tang vật vi phạm hành chính bị lực lượng Công an huyện Đức Hòa tịch thu trong các đợt ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trong năm 2021. Đây là số máy các cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hoạt động cờ bạc trá hình. Thời gian qua, Công an huyện Đức Hòa  đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động game bắn cá tại các cơ sở trên địa bàn, không để hình thành tội phạm và tệ nạn xã hội từ hình thức trò chơi này.

Thông qua việc tiêu hủy nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là kinh doanh trò chơi điện tử bằng hình thức game bắn cá, góp phần bài trừ các loại tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương./.

Thảo Nguyên


27/01/2022 11:00 SAĐã ban hànhApproved
GIỚI THIỆU SÁCH: CÁC DI TÍCH QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN  TỈNH LONG AN GIỚI THIỆU SÁCH: CÁC DI TÍCH QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN  TỈNH LONG AN

Long An không chỉ là mảnh đất trung dũng kiên cường trong kháng chiến chống ngoại xâm mà còn là vùng đất với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với 15 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An; có 192 đơn vị hành chính cấp xã gồm 166 xã, 12 phường và 14 thị trấn. Ở từng khu vực hành chính đều hiện diện những dấu ấn văn hóa truyền thống, thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, chùa, đền, miếu, phủ, lăng mộ, nhà thờ, từ đường dòng họ... Các di tích được trải dọc theo suốt chiều dài lịch sử, phản ánh sự phát triển liên tục và bền vững.

 sach di tich quoc gia.jpg

Hướng tới kỉ niệm 55 năm ngày Long An được phong tặng danh hiệu "Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc" (17/9/1967 – 17/9/2022) và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2022, xuất phát từ lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu quê hương đất nước trở thành nguồn sức mạnh của nhân dân Long An qua mọi thời kỳ, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An". Cuốn sách dày 231 trang, khổ 13x19 cm, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An trực tiếp biên soạn và được Nhà xuất bản Thanh niên in và nộp lưu chiểu năm 2021.

Đây là công trình sưu tầm, biên soạn của nhiều tác giả, cán bộ nghiên cứu trên hồ sơ khoa học kết hợp với khảo sát 21 di tích được công nhận cấp quốc gia trong số 121 di tích trải rộng ở khắp các địa bàn tỉnh Long An. Các di tích lịch sử - văn hóa là những biểu hiện nhân văn sống động, gắn liền với các hoạt động cộng đồng đầy màu sắc, là minh chứng cho một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, là tài sản quý giá của nhân dân Long An nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung và cũng là một bộ phận di sản văn hóa cả nhân loại, có vai trò to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cuốn sách nhẹ nhàng với gam màu cam sữa, màu sắc ấm áp gần gũi cùng với ảnh bìa Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc", nổi bật dòng chữ tên sách "Di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An" rõ nét, kết hợp với một số bài viết và hình ảnh bên trong đã thể hiện được chiều sâu của toàn bộ nội dung tác phẩm mà tập thể tác giả muốn truyền tải đến bạn đọc.

Phần đầu quyển sách là những dòng giới thiệu cho bạn đọc hiểu hơn về đất và con người Long An, mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm nơi đã sinh ra những người con ưu tú, có nhiều cống hiến cho quốc gia, dân tộc, làm rạng rỡ quê hương đất nước.

Tiếp đến nội dung chính bên trong là những số liệu tổng kiểm kê di tích trong toàn tỉnh tính đến 10/2021, tỉnh Long An có 121 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (gồm 12 di tích lịch sử, 5 di tích kiến trúc nghệ thuật và 4 di tích khảo cổ) và 100 di tích cấp tỉnh. Với 21 di tích được công nhận cấp quốc gia là sự phong phú, đa dạng và có nhiều giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

Xuyên suốt quyển sách là thông tin chi tiết về 21 di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích An Sơn; Di tích khảo cổ học Rạch Núi; Gò Ô chùa; Phế tích kiến trúc Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước; Khu lưu niệm Nguyễn Thông; chùa Tôn Thạnh; Vàm Nhựt Tảo; Địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn; Khu vực ngã tư Đức Hòa; Nhà và lò gạch Võ Công Tồn; Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ (1946-1949); Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Ngã tư Rạch Kiến; Khu di tích Lịch sử cách mạng tỉnh Long An; Khu vực đồn Long Khốt; Đình Vĩnh Phong; Lăng mộ và đền thờ quận công Nguyễn Huỳnh Đức; Chùa Phước Lâm; đình Tân Xuân; Nhà trăm cột; Cụm nhà cổ Thanh Phú Long. Mỗi bài viết bên trong giới thiệu đến bạn đọc khái quát vị trí, đặc điểm lịch sử - văn hóa, nội dung và hình ảnh của từng di tích. Qua đó giúp bạn đọc hiểu biết thêm về vùng đất và con người Long An, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và thiết thực phục vụ khách tham quan, du lịch đến với tỉnh nhà.

 Quyển sách "Di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An biên soạn thật sự là tài liệu bổ ích nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến bạn đọc giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị tín ngưỡng, nghệ thuật kiến trúc, dấu ấn khảo cổ mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt của 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

            Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Liên hệ tìm đọc và mượn sách tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An, số 26, đường Trương Công Xưởng, Phường 1, Thành phố Tân An, tỉnh Long An./.

Kèm theo file nội dung sách: di tich long an- in 2.pdf

Nguyễn Dương Kim Tuyền


14/02/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
HUYỆN CHÂU THÀNH TỔ CHỨC HỘI THI GIỌNG HÁT HAY BOLERO MỪNG ĐẢNG MỪNG XUÂN NHÂM DẦN LẦN THỨ II NĂM 2022 HUYỆN CHÂU THÀNH TỔ CHỨC HỘI THI GIỌNG HÁT HAY BOLERO MỪNG ĐẢNG MỪNG XUÂN NHÂM DẦN LẦN THỨ II NĂM 2022

Ngày 26/01/2022, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Châu Thành tổ chức Hội thi Giọng hát hay Bolero mừng Đảng mừng Xuân Nhâm Dần lần thứ II năm 2022. Đến dự có ông Văn Ngọc Hạo, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành; ông Phạm Văn Năm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Chánh Thanh tra huyện Châu Thành; ông Nguyễn Văn Tới, nguyên Phó ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành; ông Lê Vĩnh Trực, Chủ cửa hàng điện máy Vĩnh Phát, nhà tài trợ hội thi.

 28-01-2022 Hoi thi giong hat hay Bolero huyen Chau Thanh.jpg

Tham gia hội thi có hơn 40 thí sinh tuổi từ 16 tuổi trở lên, đến từ các cơ quan, trường học, xã, thị trấn và người dân trên địa bàn huyện. Nội dung thi là những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, tình yêu đôi lứa và những khúc ca về mùa xuân. Các thí sinh dự thi theo thể loại đơn ca dòng nhạc Bolero trữ tình. Trong ngày thi vòng bán kết thứ nhất, mỗi thí sinh trình bày 1 bài hát tự chọn, sử dụng nhạc đệm. Sau khi kết thúc vòng bán kết, Ban Tổ chức căn cứ số điểm của Ban Giám khảo chọn ra các thí sinh cao điểm vào chung kết. Ở vòng chung kết, thí sinh sẽ trình bày 2 bài hát gồm 1 bài tự chọn và 1 bài trong danh mục bài quy định của Ban Tổ chức. Hội thi diễn ra trong 3 ngày từ ngày 26 - 28/01/2022.

Thông qua hội thi nhằm đẩy mạnh hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng, thu hút sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam qua các giai điệu rất gần gũi, thấm đẫm chất dân ca, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trước thềm năm mới Xuân Nhâm dần 2022./.

Phòng VH và TT Châu Thành


28/01/2022 4:00 CHĐã ban hànhApproved
GIỚI THIỆU SÁCH: TIỂU SỬ VÕ VĂN TẦN (1891 – 1941) GIỚI THIỆU SÁCH: TIỂU SỬ VÕ VĂN TẦN (1891 – 1941)

Võ Văn Tần là một trong những chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một người cộng sản trưởng thành qua các cuộc đấu tranh cách mạng khốc liệt của dân tộc ta, đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, phải đối mặt với sự truy lùng ráo riết của kẻ thù, đồng chí Võ Văn Tần luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Hình sách tiểu sử VVT1.jpg 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, vì căm ghét cảnh bóc lột và ức hiếp dân làng của địa chủ và quan lại, ông rời quê hương lên Sài Gòn – Chợ Lớn làm nghề kéo xe, rồi trở về quê làm biện làng để kiếm sống, sau đó lại trở lại Sài Gòn – Chợ Lớn. Thấu hiểu nỗi khổ nhục của người dân mất nước, ông hun đúc ý chí đấu tranh để cứu nước, cứu dân.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Tần, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Long An xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách "Tiểu sử Võ Văn Tần (1891 – 1941)" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An biên soạn. Sách dày 96 trang, khổ 13x19cm, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản quý III năm 2021.

Quyển sách được chia thành các phần riêng giúp bạn đọc dễ dàng tham khảo, nghiên cứu nắm bắt từng giai đoạn cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần:

- Phần 1: Thân thế và thời niên thiếu Võ Văn Tần.

- Phần 2: Từ người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản.

- Phần 3: Tham gia lãnh đạo khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Nam Kỳ (1930 – 1935).

- Phần 4: Nhà lãnh đạo của Đảng ở Nam Kỳ (1936 – 1941).

- Phần cuối: Hậu thế ghi ân.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Tần đã để lại dấu ấn đậm nét khi có mặt trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản ngay từ buổi đầu Đảng mới được thành lập. Với 50 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam tấm gương sáng ngời về một người Cộng sản chân chính, kiên cường, suốt đời vì nước, vì dân.

Hy vọng qua quyển sách này, nói về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Võ Văn Tần sẽ được tái hiện, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, nguồn động viên to lớn, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện đang thay lớp cha anh thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.

Kèm theo file nội dung sách: Sach tieu su Vo Van Tan.pdf

Kim Ngân


14/02/2022 5:00 CHĐã ban hànhApproved
1 - 30Next
Ảnh
Video
SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH LONG AN
Chịu trách nhiệm chính: Ông NGUYỄN THÀNH THANH - Giám đốc Sở.
Địa chỉ: ​Số 03, Võ Văn Tần, Phường 2, Thành phố Tân An, Long An.
Điện thoại : (0272) 3826 310​ ​​ * Email: thanhthanh@longan.gov.vn; svhttdl​​​​@longan.gov.vn​​