Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước, trong đó có tỉnh Long An, dịch bệnh đã gây ra không ít khó khăn và ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân... trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả Hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên việc thực hiện Kế hoạch hành động phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2021 đạt được những kết quả như sau:
Về thực hiện mục tiêu: Năm 2021 Long An thu hút 350.000 lượt khách, giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 38% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt 180 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ, đạt 36% so với kế hoạch.
Về đầu tư, xây dựng dự án du lịch: Ngành du lịch Long An được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, đặc biệt là các dự án du lịch tại Long An. Theo đó các dự án du lịch thời gian qua đã được đầu tư, tôn tạo nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến nay đã có nhiều dự án, khu/điểm du lịch được các nhà đầu tư tiếp nhận đầu tư như: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen đã có Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười tiếp nhận dự án; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư; Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ do Công ty Cổ phần Rồng Việt đầu tư; Khu du lịch sinh thái giáo dục trải nghiệm Chavi do Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt đầu tư; Dự án Vườn Thú Mỹ Quỳnh do Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Sài Gòn đầu tư; Sân West Lakes Golf và Villass Long An do Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế C.S.Q đầu tư.

Làng nổi Tân Lập
Ngoài các dự án trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có các dự án đã và đang được các nhà đầu tư quan tâm như: Điểm du lịch Đồn Rạch Cát, Khu Lâm viên Thanh niên, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.
Về nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch: Tính đến nay, toàn tỉnh có 507 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với tổng số 6.426 phòng, trong đó có 51 khách sạn gồm 1.130 phòng (04 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao và 04 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 sao). Bên cạnh đó, trong năm 2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã thẩm định lại và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Tân An Long An thuộc địa bàn thành phố Tân An. Ngoài cơ sở lưu trú du lịch thì hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch cũng được quan tâm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Hiện trên địa bàn có 14 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 01 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Du lịch Thiên Khánh. Đồng thời, có 17 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ còn hạn hoạt động, trong đó có 03 thẻ quốc tế và 14 thẻ nội địa. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và hướng dẫn viên du lịch đã được hướng dẫn và thực hiện tốt các quy định của Luật Du lịch, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động du lịch.
Làng cổ Phước Lộc Thọ
Về tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, góp phần thu hút khách du lịch cũng như thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Long An, theo đó thông tin về hình ảnh, điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch…thường xuyên được cập nhật trên Trang thông tin điện tử về du lịch, Cổng thông tin và Ứng dụng di động du lịch thông minh tỉnh Long An. Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh, các kênh truyền thông trong và ngoài tỉnh cùng phối hợp với nhau tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Long An. Ngoài ra, những hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu của Long An còn được tuyên truyền, quảng bá qua việc thực hiện Bản tin đối ngoại của tỉnh Long An được phát hành bằng tiếng Anh và tiếng Việt để gửi đến các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong năm 2021, du lịch Long An còn được quảng bá trên các trang thông tin của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương (TPO) thông qua việc Long An đã trở thành thành viên thứ 130 của TPO.
Công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư còn được đẩy mạnh qua việc: Tham gia các lễ hội, hội chợ, sự kiện du lịch… trong và ngoài tỉnh, trong đó đáng chú ý nhất là tham gia Hội thảo do TPO tổ chức qua hình thức trực tuyến nhằm trao đổi các giải pháp phát triển du lịch thích ứng với tình hình dịch Covid-19; xây dựng bản đồ Số tuyến điểm và cơ sở phục vụ du lịch Long An; phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện khảo sát các điểm đến nhằm kết nối tour, tuyến, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh; liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL và các tỉnh, thành ĐBSCL. Điểm nổi bật trong năm 2021 là Long An phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam thực hiện đề tài "Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh để thu hút khách du lịch tại tỉnh Long An", thời gian thực hiện đề tài là 2 năm (2021-2023). Mục tiêu của đề tài là nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tạo dựng, phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh… qua đó góp phần phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho du lịch, đồng thời phát triển du lịch của tỉnh đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách và đảm bảo sức cạnh tranh.
Dược liệu Đồng Tháp Mười
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch: Trong năm 2021 Sở VH, TT và DL Long An đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng công tác quản lý, tổ chức hoạt dộng du lịch nông thôn cho 200 học viên là công chức, viên chức, doanh nghiệp ngành du lịch, hộ kinh doanh… Lớp bồi dưỡng nhằm hướng đến phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, tạo được tính liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương trong tỉnh, hướng tới khả năng tạo bước đột phá cho du lịch Long An thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Về đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc thương mại: Năm 2021, Long An đã kêu gọi được các nhà đầu tư xây dựng 59 cửa hàng tiện ích. Trên địa bàn tỉnh, tính đến nay có 125 chợ, 07 siêu thị, 01 Trung tâm thương mại và 214 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, đang phối hợp với Công ty TNHH San Hà chuẩn bị đưa vào khai thác 02 Cửa hàng San Hà tại huyện Bến Lức và huyện Cần Giuộc nhằm trưng bày, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương. Trong năm 2021, Long An có 15 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận, xếp hạng gồm 09 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 06 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Lũy kế đến nay, tỉnh có 26 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận, xếp hạng gồm 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 08 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Khu vui chơi giải trí Happyland
Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 07 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, 21 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực, 52 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh; 150 sản phẩm tiêu biểu cấp huyện; 05 nghề truyền thống; 01 làng nghề và 07 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, có 17 nghệ nhân và 172 thợ giỏi được tặng danh hiệu. Đặc biệt, trong ngành thủ công mỹ nghệ có 01 nghệ nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" và 02 người đã có công đưa nghề về tỉnh.
Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông phục vụ du lịch: Nguồn kinh phí phân bổ cho công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch năm 2021 với tổng nguồn vốn là 70.041 triệu đồng để đầu tư các khu: Khu lưu niệm Nguyễn Thông; Khu di tích Bình Tả; Nhà trưng bày và văn bia Long An "Trung dũng kiên cường - Toàn dân đánh giặc"; Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu; Khu di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện lưu thông thuận tiện góp phần mời gọi và thu hút đầu tư vào du lịch, UBND tỉnh đã luôn quan tâm trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông của tỉnh, nhất là các tuyến đường có kết nối đến các điểm đến du lịch trọng yếu trên địa bàn. Trong năm 2021, tỉnh đã phân bổ vốn khoảng 126.445 triệu đồng cho các dự án giao thông có kết nối đến các khu/điểm du lịch. Ngoài việc đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối đến các khu/điểm du lịch, hiện trên địa bàn cũng đã có nhiều tuyến đường thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.
Về giữ gìn an ninh - trật tự, an toàn xã hội: Công an tỉnh đã phối hợp với Sở VH, TT và DL thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch thực hiện tốt các quy định của pháp luật về du lịch; thủ tục xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại tại Việt Nam; hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện việc niêm yết giá công khai, bán đúng giá, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự... Qua kiểm tra chưa phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật.
Về công tác quản lý Nhà nước: Nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước góp phần đưa hoạt động du lịch ngày càng đi vào nề nếp, tạo bước chuyển biến tốt trong phát triển du lịch, nhất là từng bước ổn định và phục hồi ngành du lịch của tỉnh trong tình hình mới, đảm bảo thích ứng an toàn Covid-19, từ đó đưa du lịch Long An trở thành ngành kinh tế quan trọng có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo đó trong năm Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 48/2021/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 về Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Long An; Quyết định số 11264/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 về Bộ tiêu chí đánh giá an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Long An; Kế hoạch số 4353/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về việc phục hồi và thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh Long An năm 2022; Báo cáo số 178/BC-UBND ngày 18/01/2022 về Kết quả thực hiện Kế hoạch hành động phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2021 và Kế hoạch hành động phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2022…
Ngoài ra, để giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và hướng dẫn viên du lịch giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành mới 01 thủ tục hành chính và sửa đổi, bổ sung 8 thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và hướng dẫn viên du lịch. Qua đó, đã hỗ trợ 01 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được rút 80% tiền ký quỹ; 05 hướng dẫn viên du lịch được nhận tiền hỗ trợ và 267 cơ sở lưu trú du lịch được giảm tiền điện.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thẩm định và xếp hạng khách sạn; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; xúc tiến quảng bá du lịch; mời gọi đầu tư; phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hướng dẫn, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện tốt chế độ báo cáo, thống kê và các quy định của pháp luật hiện hành./.
Mỹ Phượng