image banner
 
VỀ THÀNH PHỐ TÂN AN THĂM CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HÓA, DI TÍCH LỊCH SỬ
Lượt xem: 224

Tân An không chỉ là thành phố của tỉnh Long An mà còn là một trong những đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh, giữ vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến với thành phố Tân An, du khách có thể tham quan công trình văn hóa có quy mô lớn của tỉnh và các di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia ở nơi đây.

Nằm ngay cửa ngõ thành phố Tân An là Khu công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Đây là địa điểm đầu tiên du khách có thể tham quan khi đến với thành phố Tân An vùng đất giàu truyền thống anh hùng cách mạng. Đến nơi đây, du khách không chỉ có cơ hội hiểu thêm về đất và người Long An mà càng hiểu hơn về giá trị lịch sử đấu tranh giành độc lập của những thế hệ cha anh. Công trình công viên tượng đài có 2 hạng mục chính là tượng đài và phòng trưng bày truyền thống với 8 chuyên đề Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", tái hiện quá trình chiến đấu của quân và dân Long An. Điển hình là phần tái hiện hình ảnh nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc với sự che chắn của rừng dừa nước hay hình ảnh cứu thương cho bộ đội, hình ảnh dân công hỏa tuyến Long An làm "cầu người" vận chuyển thương binh… gây nhiều ấn tượng cho khách tham quan.

3-11-2022 Khu công viên tượng đài Long An.png 

Khu công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường,
toàn dân đánh giặc" tại Phường 5, thành phố Tân An

Rời Khu công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", cách trung tâm thành phố Tân An 3,5 km về phía Tây Nam là Di tích nghệ thuật Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, tọa lạc tại khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu. Di tích gồm một quần thể kiến trúc các công trình như cổng, lăng mộ và đền thờ Kiến Xương Quận công Tiền quân đô thống Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của Triều Nguyễn. Được xây dựng từ năm 1817, di tích là một công trình kiến trúc cổ của Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Cổng và đền thờ được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu cũng như nghệ thuật. Các chiếu chỉ, sắc phong và cổ vật quý hiếm trong di tích là những tư liệu vô giá phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

3-11-2022 Lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.png 

Lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Với những giá trị cơ bản trên, Di tích nghệ thuật Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia tại Quyết định số 534-QĐ/BT ngày 11/5/1993.

Cũng tại phường Khánh Hậu, du khách có thể tham quan Đình Khánh Hậu, tọa lạc tại khu phố Quyết Thắng 2, một trong những ngôi đình cổ ở Long An, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Đình Khánh Hậu không chỉ là nơi ghi dấu quá trình khai hoang, mở đất của ông cha ta, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương, đình còn là địa điểm hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong trong các cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945. Trong đình còn lưu giữ 6 sắc phong thần được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng, mây. Đây là hiện vật quý có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và cổ văn Hán tự. Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, năm 2010, Đình Khánh Hậu được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

3-11-2022 Đình Khánh Hậu tại khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu.png 

Đình Khánh Hậu tại khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu

Đến với Phường 6, du khách ghé tham quan Đình Xuân Sanh. Đây là ngôi đình làng được xây dựng khoảng đầu nửa thế kỷ XIX, có tên gọi theo tên thôn Xuân Sanh từ thuở khai hoang mở đất, là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ hai sắc phong thần của vua Thiệu Trị năm 1845 và vua Tự Đức năm 1852, minh chứng cho sự tồn tại của đình trong suốt 2 thế kỷ qua. Đình Xuân Sanh được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2007.

Trở lại trung tâm thành phố Tân An, tại Phường 1, du khách có thể tham quan các di tích lịch sử cấp tỉnh như Miếu Quan Thánh Đế, Nhà Tổng Thận, Nhà thuốc Minh Xuân Đường. Với Miếu Quan Thánh Đế không chỉ là nơi đông đảo bà con nhân dân đến chiêm bái mà còn là chứng tích của quá trình khai phá vùng đất Vũng Gù (Tân An ngày nay) của cộng đồng cư dân Việt - Hoa. Đây là công trình kiến trúc cổ đặc thù kiểu Tứ trụ của đình, miếu Nam Bộ có niên đại hơn 100 năm. Hiện nay, Miếu Quan Thánh Đế còn lưu giữ nhiều hiện vậy quý giá như hệ thống hoành phi, liễn đối, bao lam,... được chạm trỗ hết sức tinh xảo, công phu, vừa có giá trị về mặt nghệ thuật, vừa có giá trị về mặt lịch sử. Chính những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu ấy, Miếu Quan Thánh Đế đã được UBND tỉnh Long An công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2019.

3-11-2022 Miếu Quan Thánh Đế tại Khu phố 1, Phường 1, thành phố Tân An.png 

Miếu Quan Thánh Đế tại Khu phố 1, Phường 1, thành phố Tân An

Đi dọc bờ sông Bảo Định, du khách đến tham quan Di tích Nhà Tổng Thận, tọa lạc tại số 19 Ngô Quyền, Phường 1, trước đây là ngôi tư gia của ông Trần Khắc Thận, xuất thân trong một gia đình vọng tộc thân Pháp. Cuối thế kỷ XIX, ông được thực dân Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm Cai tổng, tổng Thạnh Hội Thượng. Khoảng năm 1892 - 1893, ông cho xây cất ngôi nhà theo kiểu kiến trúc biệt thự Pháp. Kể từ đó, người Tân An thường gọi đây là "Nhà Tổng Thận". Đây còn là trụ sở hoạt động công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Trong thời gian này, Nhà Tổng Thận chứng kiến nhiều cuộc hội họp quan trọng của Tỉnh ủy, đề ra những chủ trương chỉ đạo kịp thời, nhằm củng cố và bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ. Nhà Tổng Thận được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 1998.

 3-11-2022 Di tích Nhà Tổng Thận, số 19 Ngô Quyền, Phường 1.png

Di tích Nhà Tổng Thận, số 19 Ngô Quyền, Phường 1

Một trong những địa chỉ đỏ là Nhà thuốc Minh Xuân Đường, tại số 17 đường Nguyễn Duy, Phường 1, là một căn nhà nằm trong dãy phố đầu tiên ở tỉnh lỵ Tân An, được xây dựng khoảng từ năm 1934 đến năm 1936, lương y Lê Minh Xuân về đây thuê mở phòng mạch và buôn bán hàng xén. Kể từ đó, ngôi nhà có tên Nhà thuốc Minh Xuân Đường. Giai đoạn 1936 - 1945, nơi đây từng là trụ sở hoạt động bí mật của Tỉnh uỷ Tân An, nơi diễn ra những sự chuẩn bị mang tính quyết định của Đảng bộ tân An cho cuộc giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày 21/8/1945. Năm 1999, Nhà thuốc Minh Xuân Đường được UBND tỉnh Long An công nhận là di tích, ngôi nhà đã trở thành địa chỉ đỏ gợi nhớ về phong trào cách mạng Tân An dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nhà Vuông hiện tọa lạc tại ấp Bình nam, xã Bình Tâm là di tích duy nhất của loại hình nhà vuông còn tồn tại trên đất Long An, có lối kiến trúc đặc biệt gắn liền với quá trình Nam tiến của những lưu dân người Việt từ miền Ngũ Quảng lập nên quê hương mới trên vùng đất phương Nam. Đây là nơi hội họp, quyết định mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu tâm linh, cúng bái với đối tượng thờ cúng là Tiên sư và những bậc tiền hiền đã có công khai cơ mở đất. Nhà Vuông còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng ở địa phương. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền nhân dân xã Bình Lập đã chọn Nhà Vuông là nơi để tổ chức lễ ra mắt và đặt trụ sở hoạt động. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ về phong trào "diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm", Nhà Vuông chính là địa điểm tổ chức các lớp học về xóa nạn mù chữ; là nơi để đông đảo cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 06/01/1946. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây còn là nơi đặt trạm gác tiền tiêu của huyện Châu Thành để lực lượng cách mạng đối phó với những cuộc càn quét của thực dân Pháp. Với những giá trị về lịch sử gắn với những đặc điểm về văn hóa nổi bật, ngày 10/4/2013, Nhà Vuông được UBND tỉnh Long An công nhận, xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, được bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác đụng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và bảo lưu các giá trị văn hóa dân tộc.

3-11-2022 Di tích Nhà Vuông ở ấp Bình Nam, xã Bình Tâm.png 

Di tích Nhà Vuông ở ấp Bình Nam, xã Bình Tâm

Đình Bình Lập tọa lạc tại Khu phố Bình Đông 1, Phường 3, là một thiết chế văn hóa làng xã Nam Bộ, được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh tàn phá nhưng đình vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống kiểu Tứ trụ của đình làng Nam Bộ xưa và sắc thần do vua Tự Đức phong tặng năm 1852, cùng nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa. Đình Bình Lập được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh và 01/4/2022.

3-11-2022 Đình Bình Lập ở khu phố Bình Đông 1, Phường 3.png 

Đình Bình Lập ở khu phố Bình Đông 1, Phường 3

Có thể nói, thành phố Tân An đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Mỗi địa danh, mỗi nẻo đường nơi đây dường như gắn liền với chặng đường lịch sử phát triển của tỉnh nhà nói chung, lịch sử cách mạng của thành phố Tân An nói riêng. Mỗi di tích, mỗi địa danh nổi tiếng trên đất Tân An đều mang vẻ đẹp, sắc thái riêng và ẩn chứa những câu chuyện ý nghĩa được viết nên bởi thế hệ đi trước mà thế hệ trẻ Tân An ngày nay có quyền tự hào và trân trọng gìn giữ./.

Phòng VH và TT Tân An


Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1