ĐỨC HÒA TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẢO QUẢN, TU BỔ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Đức Hòa đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Huyện Đức Hòa có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng, là nơi ghi dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình chinh phục thiên nhiên, bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần, mang sắc thái riêng của cộng đồng cư dân Long An. Tính đến nay, toàn huyện có 17 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh.
Tượng đài Võ Văn Tần tại Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan, đưa công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ di tích trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; chủ động kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện kịp thời, có phương án xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm; cân đối nguồn vốn quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích.
Trong năm 2022, huyện Đức Hòa đã triển khai thực hiện tu bổ Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ đầu tiên (xã Đức Hòa Thượng), Di tích lịch sử Khu lưu niệm truyền thống Trung đoàn 271 (xã An Ninh Đông và An Ninh Tây), Di tích Đình Rừng Muỗi (xã Tân Mỹ), với tổng số tiền 184 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện di dời vị trí, khôi phục xây dựng mới Bia chiến thắng Bàu Tràm (xã Mỹ Hạnh Bắc) từ nguồn kinh phí xã hội hóa; di dời Tượng Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Cảng thuộc Di tích Bót Cũ (xã Hòa Khánh Nam); điều chỉnh diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ của 3 di tích quốc gia trên địa bàn huyện: Cụm di tích khảo cổ Phế tích kiến trúc Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Nam Tước (xã Đức Hòa Hạ), Di tích khảo cổ An Sơn (xã An Ninh Tây) và Di tích lịch sử Nhà Ông Bộ Thỏ (xã Đức Hòa Thượng). Đối với các di tích còn lại được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý và bảo vệ di tích lịch sử theo phân cấp.
Di tích lịch sử Đình Rừng Muỗi xã Tân Mỹ
Bà Mai Minh Mẫn Nhuệ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Hòa cho biết: "Để việc đầu tư tôn tạo, sửa chữa các di tích trên địa bàn huyện tốt hơn, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nơi có di tích thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ di tích, quan tâm đẩy mạnh công tác lập quy hoạch. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích; chủ động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo quản, tu bổ di tích trên địa bàn huyện nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống".
Di tích lịch sử Khu lưu niệm truyền thống Trung đoàn 271
Hiện nay, các di tích trên địa bàn huyện Đức Hòa được quan tâm chăm sóc ổn định và là địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống hiệu quả. Ban Quản lý di tích hàng năm đều ký liên tịch với các trường học trong thực hiện chương trình "xanh - sạch - đẹp"; phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã chăm sóc, bảo vệ, tuyên truyền phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện./.
Phạm Bảo Long