DANH MỤC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
05/11/2014
Lượt xem: 1568
STT
|
TÊN DI TÍCH
|
NỘI DUNG
|
ĐỊA ĐIỂM
|
SỐ QUYẾT ĐỊNH; NGÀY CẤP
|
1
|
LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ NGUYỄN HUỲNH ĐỨC
|
Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là Phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Xuất thân trong một gia đình võ tướng đã 3 đời nên ông sớm có tài võ lược và người đường thời thường gọi là Hổ tướng. Năm 1780, ông theo phò Nguyễn Ánh, lập nên nhiều chiến công và trở thành khai quốc công thần của triều Nguyễn, được phong tước Quận công. Ngày mồng 9 tháng chín năm Kỷ Mão (1819), ông mất và được an táng tại quê nhà.
Cách thành phố Tân An 3,5 km về phía Tây Nam, di tích nghệ thuật Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức là một tổng thể gồm 5 công trình kiến trúc: 03 cổng, đền thờ và lăng mộ với diện tích 1280 m2. Được xây dựng từ năm 1817, di tích là một công trình kiến trúc cổ của Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Cổng và đền thờ được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu cũng như nghệ thuật. Các chiếu, chỉ, sắc phong và cổ vật quý hiếm trong di tích là những tư liệu vô giá phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thời cận đại.
|
Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An
|
Số 534QĐ/BT
ngày 11/5/1993
|
2
|
CHÙA PHƯỚC LÂM
|
Chùa Phước Lâm được ông Bùi Văn Minh thành lập năm 1881 để vừa thờ Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Nhìn về tổng thể, ngôi chùa gồm ba phần: chánh điện - hậu tổ, khu mộ tháp và nhà trù. Chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu “bánh ít”, có móng đá xanh, tường gạch, lợp ngói vẩy cá. Toàn bộ cột chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên các chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái tạo cho không gian bên trong sự rộng rãi thoáng mát. Nội thất chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thị Giả, Thập điện, Diêm Vương, Thiện Ác, Hộ Pháp, Kim Cương và nhiều bộ bao lam, hoành phi liễn đối được sơn son thiếp vàng rực rỡ.
Cũng như những ngôi chùa khác ở Nam bộ, phía sau chánh điện chùa Phước Lâm là tổ đường. Tổ đường có bàn thờ và di ảnh của các vị trụ trì đã quá vãng, di ảnh và bàn thờ Bùi Công - người lập chùa, và bàn thờ của họ Bùi. Phía đông chánh điện là 4 ngôi mộ tháp cổ khá cổ kính trong đó có tháp bảo đồng của tổ khai sơn Hồng Hiếu và chư vị trụ trì đã quá vãng. Chùa Phước Lâm là tổ đình của hệ phái lục hòa ở Cần Đước. Vào những ngày rằm khá đông thiện nam, tín nữ đều đến chùa lễ Phật.
|
Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước
|
Số 53/2001-QĐ-BVHTT
ngày 28/12/2001
|
3
|
NHÀ TRĂM CỘT
|
Nhà Trăm Cột được xây dựng vào những năm 1901-1903, có diện tích 882m2, tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2, chính diện hướng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (gỗ đỏ, gỗ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ, Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc, 3 gian, 2 chái. Nhà gồm có hai phần: Phần trước là phần nội tự - ngoại khách (trong thờ tự, ngoài tiếp khách), phần sau là phần để ở và sinh hoạt.
Theo các nhà nghiên cứu, Nhà Trăm Cột là một kiến trúc có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế nhưng có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng, phản ánh một giai đoạn lịch sử - văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
|
Ấp Trung, xã Long Hựu, huyện Cần Đước
|
Số 2890-VH/QĐ
ngày 27/9/1997
|
4
|
CỤM NHÀ CỔ THANH PHÚ LONG
|
Cụm Nhà cổ Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được dòng họ Nguyễn Hữu xây dựng đã hơn 100 năm, mang nét đặc trưng nhà ở dành cho tầng lớp thượng lưu Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
Cụm nhà cổ Thanh Phú Long gồm 3 ngôi nhà có cấu trúc tương đối giống nhau. Xây dựng theo kiểu nhà rội, tường gạch, mái ngói, theo kiểu 3 gian 2 chái. Nhà hình chữ khẩu gồm nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng 2 nhà cầu, chính giữa có khoảng trống là sân “ thiên tỉnh” (giếng trời). Các ngôi nhà được xây dựng bởi một nhóm thợ từ miền Trung vào. Nghệ thuật trang trí ở Cụm nhà cổ cũng khá phong phú và đa dạng. Cụm nhà cổ Thanh Phú Long là di tích kiến trúc nghệ thuật, loại hình kiến trúc dân dụng ở và thờ tự.
Những ngôi nhà cổ Thanh Phú Long với niên đại hơn 100 năm có giá trị lớn về kiến trúc, điêu khắc gỗ và còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa.
|
Ấp Thanh Phú, Xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành.
|
Số 43/2007/QĐ-BVHTT
ngày 03/08/2007
|
5
|
ĐÌNH VĨNH PHONG
|
Đình Vĩnh Phong được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, là nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa - người đã có công khai cơ, lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của thị trấn Thủ Thừa ngày nay.
Qua nhiều lần trùng tu, gần nhất là năm 2012, Đình Vĩnh Phong vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Đến với Đình Vĩnh Phong chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân ngày trước, hiểu thêm về những đóng góp to lớn của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta.
|
Thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa
|
Số 1811/1998-QĐ-BVHTT
ngày31/8/1998
|
6
|
NHÀ VÀ LÒ GẠCH VÕ CÔNG TỒN
|
Di tích có tên gọi là Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn bởi vì đó là một tổng thể kiến trúc gồm hai điểm: ngôi nhà của ông Võ Công Tồn và Lò gạch thuộc sở hữu của ông.
Nhà và lò gạch Võ Công Tồn còn là nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn - người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mạng cho Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930 - 1945). Nhà Võ Công Tồn là nơi ghi dấu một số hoạt động của nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai…Lẫm lúa nhà Võ Công Tồn là nơi Bác Tôn mở lớp học truyền bá tư tưởng chống thực dân Pháp vào năm 1928. Ngoài ra, nhà và lò gạch Võ Công Tồn còn là cơ sở tin cậy của Đảng và các phong trào yêu nước trước năm 1945, là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho Đảng và các nhà yêu nước hoạt động trong những ngày đầu Đảng còn non trẻ.
|
Ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức
|
Số 02/2004/QĐ-BVHTT
ngày 19/01/2004
|
7
|
NGÃ TƯ RẠCH KIẾN
|
Di tích Ngã tư Rạch Kiến là địa điểm ghi dấu sự hình thành và phát triển của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến nổi tiếng ở Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Phạm vi của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được xác định gồm 12 xã giải phóng, trong đó có 10 xã thuộc huyện Cần Đước là Long Hòa, Long Trạch, Tân Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy và 2 xã thuộc huyện Cần Giuộc là Phước Lâm và Thuận Thành.
Bằng thế trận chiến tranh nhân dân trên Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, dựa trên 3 mũi cơ bản là quân sự, chính trị, binh vận được phối hợp một cách nhuần nhuyễn, liên hoàn với nhau, ta đã cô lập căn cứ Mỹ và làm cho lực lượng địch ở nơi đây tổn thất nặng nề. Vùng giải phóng phía nam lộ 4 được giữ vững và mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp và là bàn đạp tấn công vào Sài Gòn xuân Mậu thân –1968 của các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang Long An.
Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là một hình thái chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao ở Long An, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy (1966-1967).
|
Ấp I, xã Long Hòa, huyện Cần Đước
|
Số 1460-QĐ/VH
ngày 28/06/1996
|
8
|
VÀM NHỰT TẢO
|
Vàm Nhựt Tảo tọa lạc tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là nơi ghi dấu chiến công đốt cháy tàu L’Esperance của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 tại Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông là một trong những thủ lĩnh nghĩa quân tiêu biểu trong phong trào vũ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ, từng lập nên 2 chiến công xuất sắc là: “Hỏa hồng Nhựt Tảo và Kiếm bạt Kiên Giang”. Ông hy sinh ngày 27/10/1868, khi vừa tròn 30 tuổi, để lại cho đời câu nói bất hủ: “Khi nào Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Vàm Nhựt Tảo, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để thực hiện dự án tôn tạo di tích với các hạng mục chính như: Đền Tưởng niệm, Nhà Trưng bày, Nhà bia, Tượng đài Nguyễn Trung Trực, cổng, hàng rào, đường nội bộ, khu dịch vụ…Với dự án này, vùng sông nước nên thơ Vàm Nhựt Tảo không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn có giá trị về tham quan, du lịch.
|
Xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ
|
Số 1460-QĐ/VH
ngày 28/06/1996
|
9
|
CHÙA TÔN THẠNH
|
Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808. Trong ba năm (1859-1861) nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và chữa bệnh. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm 1861, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan hai Phú Lang Sa. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người “dân ấp dân lân”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên bài văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử đã lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa. Tuy nhiên, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở Chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Từ năm 2003 đến nay, chùa Tôn Thạnh đã được trùng kiến theo lối kiến trúc cổ truyền.
|
Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc
|
Số 2890-VH/QĐ
ngày 27/9/1997
|
10
|
KHU LƯU NIỆM NGUYỄN THÔNG
|
Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hi Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am quê ở thôn Bình Thạnh, Tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Ông sinh ngày 28/5 Đinh Hợi tức 21/7/1827, trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 22 tuổi (năm 1849), ông thi hương đỗ cử nhân và bắt đầu đem tài năng của mình phục vụ cho đất nước. Trong 35 năm làm quan dù ở cương vị nào hay ở bất cứ nơi đâu, ông luôn tỏ ra là một nhà tri thức yêu nước thương dân làm việc với ý thức trách nhiệm cao. Ông mất ngày 27/8/1884 tại Phan Thiết, hưởng thọ 57 tuổi.
Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm Nguyễn Thông là địa điểm lưu niệm Nguyễn Thông. Chính mảnh đất này đã bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của cha ông truyền lại cho Nguyễn Thông. Di tích gợi ta nhớ về nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông - người con trung hiếu vẹn toàn mà cuộc đời là tấm gương sáng cho hậu thế.
|
Xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.
|
Số 04/2001-QĐ-BVHTT
ngày 19/01/2001
|
11
|
CÁC ĐỊA ĐIỂM THUỘC CĂN CỨ BÌNH THÀNH
|
Di tích Bình Thành còn được gọi là Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An tọa lạc tại xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đây là vùng đất có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An. Với vị trí án ngữ hành lang chiến lược giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, gần với Sài Gòn và dựa lưng vào Vương quốc Campuchia, vùng đất này đã trở thành một căn cứ bưng biền độc đáo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực này là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7. Trong thời điểm phong trào cách mạng tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn sau Hiệp định Geneve, đây là nơi tập trung những cán bộ chính trị, quân sự ưu tú của Đảng, nơi bảo tồn, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh. Có thể nói, nơi đây chính là chiếc nôi cách mạng - nơi đầu tiên trong khu vực Trung Nam Bộ hình thành lực lượng vũ trang sau Hiệp định Geneve để làm công tác vũ trang tuyên truyền trong điều kiện Trung ương chưa cho phép đấu tranh vũ trang. Tháng 7/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn. Với kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy Long An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Trong từng thời kỳ với những điều kiện khó khăn và thuận lợi khác nhau, Tỉnh ủy Long An đã linh hoạt, cơ động trong địa bàn huyện Đức Huệ ngày nay, có lúc phải tạm lánh sang Ba Thu, có lúc phát triển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Tuy nhiên, nơi mà Tỉnh ủy Long An và các cơ quan trực thuộc chọn làm căn cứ hoạt động lâu nhất chính là khu vực giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh nhà cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của nhân dân Long An đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ địa chỉ đỏ này.
|
Xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ
|
Số 42/2007/QĐ-BVHTT,
ngày 03/8/2007
|
12
|
NGÃ TƯ ĐỨC HÒA
|
Khu vực ngã tư Đức Hòa là địa điểm ghi dấu cuộc biểu tình chống thực dân Pháp của khoảng 5000 đồng bào quận Đức Hòa vào ngày 04/6/1930 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Võ Văn Tần. Cũng chính nơi đây, thực dân Pháp đã lập đài xử bắn để giết hại nhiều chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa vào tháng 7/1941.
Cuộc biểu tình của nhân dân Đức Hòa ngày 4/6/1930 là cuộc biểu tình lớn đầu tiên được chuẩn bị và diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mà trực tiếp là Tỉnh ủy Chợ Lớn, thể hiện lòng tin của nhân dân lao động đối với sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Địa điểm xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa là bằng chứng cho tinh thần bất khuất, ý chí giành độc lập tự do của nhân dân Đức Hòa nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung.
|
Thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa
|
Số 1570-VH/QĐ
ngày 05/9/1989
|
13
|
CĂN CỨ XỨ ỦY VÀ ỦY BAN KHÁNG CHIẾN – HÀNH CHÁNH NAM BỘ (1946 – 1949)
|
Từ những năm 1946 – 1949, Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến - hành chánh Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các cơ quan trực thuộc đã chọn địa bàn xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh làm căn cứ để lãnh đạo chống thực dân Pháp tái xâm lược trên phạm vi toàn Nam Bộ.
Đây chính là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, là nơi lưu niệm quá trình hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà hoạt động chính trị, những nhà lãnh đạo quân đội.
|
Xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh
|
Số 42/2007/QĐ-BVHTT,
ngày 03/8/2007
|
14
|
ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH CHỢ LỚN (KHU NHÀ ÔNG BỘ THỎ)
|
Ngày 06/3/1930, đồng chí Võ Văn Tần đã triệu tập cuộc họp bí mật tại nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ để thành lập nên chi bộ Đảng Cộng sản làng Đức Hòa - chi bộ đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn.
Chi bộ ra Nghị quyết: “Lấy thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung vận động vực dậy tinh thần quần chúng, đồng thời ráo riết phát triển tổ chức trước tiên ở những nơi có cơ sở quần chúng tốt như: Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, tiến tới thành lập Quận ủy”. Thực hiện tinh thần Nghị quyết này, chỉ trong vòng ba tháng, từ chi bộ đầu tiên ở làng Đức Hòa, tổ chức Đảng ở quận Đức Hòa đã phát triển lên 3 chi bộ với 27 đảng viên. Trên cơ sở ấy, vào tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thỏ làm Phó Bí thư.
Sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên này là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An. Từ đây, phong trào yêu nước chống xâm lược của nhân dân trong tỉnh đã bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
|
Ấp Giồng Cám, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa
|
Số 3827/QĐ/BVHTTDL, ngày 31/10/2013
|
15
|
RẠCH NÚI
|
Rạch Núi là tên một con rạch nhỏ, là một nhánh sông của sông Rạch Cát, bao quanh một khu vực cao được dân gian gọi là Gò Núi Đất. Trên đỉnh gò có chùa Linh Sơn Tự hay chùa Núi được sư Nguyễn Quới xây dựng năm 1867.
Di tích Rạch Núi có niên đại C14 là 2.400, tương đối muộn so với các di tích cùng thời ở Đông Nam Bộ lại không có đồ đồng, đồ sắt. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở chỗ Rạch Núi, trên căn bản thuộc văn hóa Đồng Nai, nhưng có nhiều sắc thái riêng biệt do môi trường tại chỗ quy định. Đó là môi trường sình lầy, nước mặn, khắc với vùng Đông Nam Bộ, do vậy đời sống của chủ nhân Rạch Núi cũng khác với cư dân Đông Nam Bộ.
Di tích khảo cổ - văn hóa – nghệ thuật Rạch Núi là minh chứng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên Đồng bằng sông Cửu Long với những hiện vật phong phú và có giá trị. Bên cạnh đó di tích còn là minh chứng cho công cuộc phát triển bờ cõi của nhà Nguyễn ở phương Nam với ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu.
|
Ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc
|
Số 38/1999-QĐBVHTT
ngày 11/6/1999
|
16
|
PHẾ TÍCH KIẾN TRÚC GÒ XOÀI, GÒ ĐỒN, GÒ NĂM TƯỚC
|
Khu di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nằm về hướng đông bắc thành phốTân An. Cách Tân An 40 km theo lộ trình Tân An - Bến Lức - thị trấn Đức Hòa và nằm cách tỉnh lộ 825 tám trăm mét về phía đông.
Nằm trong một tổng thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học đã được khảo sát, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh. Nhìn chung, khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng đây là trung tâm chính trị - quyền lực - tôn giáo của người xưa.
Niên đại chung của khu di tích Bình Tả được phỏng định dựa trên tuổi tuyệt đối (C14) của chiếc trục bánh xe cổ làm bằng gỗ, phát hiện trong một bàu nước cổ bên cạnh di tích Gò Sáu Huấn (cũng thuộc phạm vi khu di tích Bình Tả): 1.588 ± 65 năm cách ngày nay.
Với quy mô lớn trên toàn khu vực, cụm di tích khảo cổ học Bình Tả có một vị thế trung tâm trên vùng đất phù sa cổ thuộc vùng Đức Hòa – Đức Huệ (Long An) mà trung tâm này có thể có mối quan hệ rất gần với các di tích: Thanh Điền (Tây Ninh), Angkor Borei, Phnom Da, Ba Phnom, Sambor Preikuk ở mạn đông nam lãnh thổ Vương quốc Campuchia.
|
Xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa
|
Số 1570-VH/QĐ
ngày 05/9/1989
|
17
|
GÒ Ô CHÙA
|
Di tích Gò Ô Chùa nằm trên đường tiếp giáp giữa vùng rìa ở phía Bắc và vùng trũng ở phía Nam, thuộc ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có tọa độ 11000,08,, vĩ độ Bắc - 105046,18,, kinh độ Đông, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 3km. Gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 3m, dài 450m theo hướng Bắc - Nam, rộng 150m theo hướng Đông - Tây. Bao quanh phía Bắc và phía Tây là rạch Ô Chùa, vốn bắt nguồn từ sông Cái Cỏ ở phía Bắc, là sông phân chia biên giới Việt Nam - Campuchia và sông Long Khốt ở phía Đông.
Di tích đã được khai quật 4 lần bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam và các nhà khảo cổ học Cộng hòa Liên bang Đức.
Kết quả nghiên cứu và khai quật trong thời gian qua đã đưa đến kết luận rằng di chỉ Gò Ô Chùa có quy mô rộng lớn và tầng văn hóa dày, chứng tỏ cộng đồng cư dân cổ đã sống ở đây trong một thời gian dài, có thể đến hai ngàn năm.
Từ các cuộc khai quật và nghiên cứu vừa qua, các nhà khảo cổ học cho rằng nền kinh tế của cộng đồng cư dân cổ ở đây đã khá phát triển và đã có sự phân công lao động chuyên hóa. Họ đã có mối giao lưu với thế giới bên ngoài như vùng Đông Nam Bộ và xa hơn mà các chứng tích là các di vật như nắp vung, bình gốm có miệng nhỏ hoặc táng tục (mộ vò có xương trẻ em ở lớp gần sinh thổ và mộ đất với các di cốt người được chôn duỗi thẳng cùng với đồ tùy táng...). Niên đại của di tích này đoán định khoảng 1000 năm trước công nguyên đến 1000 năm sau công nguyên.
|
ấp I, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng
|
Số 02/2004/QD0-BVHTT,
ngày 19/01/2004
|
18
|
DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC AN SƠN
|
Là di tích cư trú và mộ táng có quy mô lớn, tầng văn hóa dày, thời gian cư trú khoảng 1500 năm, có niên đại khoảng 4000-2500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ tiền sử. Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ: 15.106m2.
|
Xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa
|
Số 324/QĐ-BVHTTDL,
ngày 26/01/2011
|
Bài: Phạm Thị Thúy Hồng
Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa
|